Sỏi gan dễ mắc ở độ tuổi 40-50 tuổi
Cuộc sống hiện đại, lối sống thay đổi khiến cho căn bệnh về sỏi gan ngày một tăng.
PGS. TS Trịnh Thị Ngọc, Bệnh viện Đại học Y, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải cắt gan do bị sỏi gan.
Bệnh nhân N.V.Q (45 tuổi, Hà Nam) vào viện trong tình trạng sốt cao, rét run, mắt vàng. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm gan bệnh nhân có nhiều ổ áp xe nhỏ, được chẩn đoán bị sỏi gan.
Bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh để giảm viêm, nhưng tình trạng không cải thiện. Để điều trị cho bệnh nhân cách duy nhất là cắt một phần thùy gan có chứa sỏi. Sau khi, cắt bỏ phần gan có chứa sỏi bệnh nhân sức khỏe đã ổn định.
Hay như trường hợp của bệnh nhân N.V.K (40 tuổi, Bắc Ninh) cũng đã phải cắt một phần gan do bị sỏi gan. Bệnh nhân cho hay, không biết mắc sỏi gan chỉ khi có biến chứng, đau, sốt, vàng da mới đi viện thì đã muộn.
Sỏi gan nhiều có thể phải cắt gan, ảnh minh họa.
Theo PGS. TS Trịnh Thị Ngọc, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có nguy cơ hình thành sỏi (gan, thận, mật…). Trong các loại sỏi, thì sỏi mật, sỏi gan rất khó điều trị, bệnh nhân thường phát hiện muộn khi đã có biến chứng.
Sỏi gan ở giai đoạn đầu bệnh nhân gần như không có triệu chứng. Một số bệnh nhân chớm mắc sẽ có triệu chứng như: đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn, đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải.
Bệnh nhân phát hiện sỏi gan ở giai đoạn sớm thường là do tình cờ đi siêu âm, chụp cộng hưởng từ.
Khi bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng (biến chứng) sẽ có triệu chứng đau, sốt, vàng da bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
"Có nhiều nguyên nhân hình thành sỏi gan, trong đó là do ứa đọng cholesterol, lắng động canxi. Tuy nhiêu, ở Việt Nam nguyên nhân hay gặp sỏi gan là do trứng giun, xác giun chết hình thành các mảng bám hình thành sỏi", bác sĩ Ngọc nói.
Sỏi gan hình thành là hiện tượng bất thường gây ra mối nguy tiềm tàng cho gan.
Sỏi nhỏ không có biến chứng viêm nhiễm thì không đáng ngại có thể sống chung được. Vì hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, bệnh nhân phát hiện sớm sẽ được theo dõi để phòng biến chứng.
Nếu như sỏi gan to có biểu hiện nhiễm trùng, sỏi nhiều trong gan, thậm chí bác sĩ buộc phải chỉ định cắt bỏ lá gan đã cứu sống bệnh nhân.
Người Việt bị sỏi gan nhiều do đâu?
PGS.TS Ngọc cho hay tỷ lệ người Việt Nam bị sỏi gan khoảng 5-10% dân số, có nghĩa là có khoảng từ 6-8 triệu người đang mắc bệnh mà không hay biết. Quá trình tiếp nhận điều trị các bệnh lý về gan bác sĩ thấy căn bệnh sỏi gan hiện nay tăng cao do thói quen lối sống.
Thói quen ăn quá nhiều mỡ, thịt, đồ ăn nhanh… là những thực phẩm giàu năng lượng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Béo phì sẽ gây ứ đọng mỡ trong gan và tăng nguy cơ mắc sỏi gan.
Giữ cân nặng ổn định, chế độ ăn hợp lý, ăn bổ sung thêm rau xanh – hoa quả tươi là cách tốt nhất giúp bảo vệ lá gan, phòng bệnh sỏi gan.
"Hạn chế ăn rau sống, vì trong rau sống có chứa rất nhiều ký sinh trùng, trứng giun, một nguyên nhân chính gây ra sỏi gan ở Việt Nam. Đối với người có ăn rau sống, gỏi hoặc sống ở vùng điều kiện sinh hoạt chưa tốt cần lưu ý tẩy giun thường xuyên theo định kỳ", PGS.TS Ngọc cho hay.
Ngoài ra, cần lưu ý tránh uống rượu bia đây là loại nước uống rất độc cho gan và có nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.