Khó quản bác sĩ “dỏm” trên mạng

Thành An - Nguyễn Quốc |

Trên nhiều nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram… tràn ngập video chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, nhiều người còn mặc áo blouse, tự xưng là bác sĩ, hướng dẫn các cách chữa bệnh “an toàn, rẻ tiền, nhanh khỏi”… nhưng thực tế không như cam kết.

Rước họa vì làm theo

Mới đây, chị N. (31 tuổi, ngụ Tây Ninh) lướt mạng xã hội TikTok thấy tài khoản tên Hồ Phi Nhạn có hàng ngàn người theo dõi, tự nhận mình là bác sĩ thẩm mỹ đăng tải các clip sửa mũi, làm đẹp, với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn nên chị đã liên hệ.

Qua tư vấn, chị N. chấp nhận để bác sĩ Hồ Phi Nhạn nâng mũi cấu trúc và đặt sụn mũi, làm trụ mũi cho mình, với giá 100 triệu đồng. Tuy nhiên đến khi thực hiện, chị lại được chuyển đến một bệnh viện thẩm mỹ khác trên địa bàn quận 10 để sửa mũi.

Khoảng 3 tuần sau, chị N. quay lại gặp bác sĩ tái khám trong tình trạng 2 bên cánh mũi lõm vào, đầu mũi co rút nặng và được tiêm chất làm đầy (filler) vào mũi, tuy nhiên, sau đó mũi không cải thiện mà tiếp tục biến dạng nặng nề.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 36 tuổi, mắc ung thư vú trong tình trạng bệnh nặng do tự điều trị theo hướng dẫn của “bác sĩ TikTok”. Bệnh nhân cho biết, đã làm theo tư vấn của người xưng là “bác sĩ” rằng phải nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư, uống lá đu đủ để triệt tiêu khối u. Thấy không mất tiền và dễ khỏi, chị đã áp dụng. 3 tháng sau, khối u bị vỡ, loét, chảy dịch, gia đình mới đưa chị đi cấp cứu. Lúc này, bác sĩ chỉ có thể chăm sóc, vệ sinh khối u, không thể can thiệp điều trị chuyên sâu.

Tương tự, nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự ý dùng thuốc để điều trị vảy nến cũng đã tìm đến Bệnh viện Da liễu TPHCM chạy chữa.

Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Vũ Hoàng, Bệnh viện Da liễu TPHCM, đa phần các loại thuốc uống, thuốc thoa do các “bác sĩ TikTok” kê chứa thành phần kháng viêm như corticosteroid nên khi mới sử dụng da sẽ láng mịn, do đó bệnh nhân tin tưởng và tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc thì bệnh sẽ diễn tiến nặng dần, sưng đau các khớp tay chân gây biến dạng, không hồi phục được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Khó quản bác sĩ “dỏm” trên mạng - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám một bệnh nhân là nạn nhân của bác sĩ “dỏm”

Xử lý nghiêm khi có dấu hiệu lừa đảo

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, một số đối tượng thường xuyên cắt ghép video, hình ảnh của ông để chèn giọng nói quảng cáo các loại thuốc xương khớp, tiểu đường… dù ông là bác sĩ nhi khoa.

“Việc các đối tượng sử dụng hình ảnh của tôi để bán thuốc, thực phẩm chức năng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe cho người sử dụng. Tôi đã lên tiếng cảnh báo nhiều lần là tôi không quảng cáo cho sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng nào nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bệnh nhắn tin cho tôi hỏi mua thuốc, nhờ tư vấn thuốc. Một lần nữa tôi khẳng định, tôi không bán, giới thiệu các thuốc tiểu đường, xương khớp… Việc chẩn đoán, điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, người dân hãy tới bệnh viện để các thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chuyên sâu thực hiện, đừng nghe theo hướng dẫn từ các cá nhân không có chuyên môn trên mạng xã hội”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo.

Còn theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, gần đây, qua đường dây nóng, bệnh viện tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về việc có một số đối tượng lập các trang Facebook, TikTok mạo danh cán bộ, nhân viên của bệnh viện để bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện, gây hoang mang trong cộng đồng, người bệnh và người nhà bệnh nhân.

“Nhiều TikToker thực hiện những video về y tế để thu hút người theo dõi và họ tự xưng là bác sĩ. Dù không có chuyên môn, nhưng họ vẫn đưa ra những lời khuyên, không ít người vẫn tin và áp dụng theo làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nguy cơ mất đi cơ hội chữa bệnh ở thời điểm vàng”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn cho biết.

Thanh tra Bộ Y tế chỉ rõ, theo quy định của Bộ Y tế, các y, bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là cán bộ y tế để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo. Để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh bác sĩ hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc gây thiệt hại khó lường.

Giả mạo bác sĩ, thương hiệu bệnh viện

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thường xuyên phát thông tin cảnh báo về tình trạng một số đối tượng mạo danh bệnh viện để lừa đảo người bệnh và người nhà bệnh nhân nhằm trục lợi. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này rất tinh vi như lập nhiều trang Fanpage giả mạo; sao chép và đăng lại các bài đã đăng, logo, ảnh bìa trên trang Fanpage chính thức của bệnh viện; cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, chèo kéo người bệnh tới các phòng khám tư nhân được "nổ" là có chuyên gia của bệnh viện thăm khám, điều trị.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa gửi đơn đến Công an TPHCM và một số cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp vì một số Fanpage, Facebook đã giả mạo, sử dụng thương hiệu, uy tín của bệnh viện lừa người dân. Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý và yêu cầu các trang mạo danh phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết đã mạo danh bác sĩ của bệnh viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại