Khổ như EU: Dự trữ đầy kho vẫn thấp thỏm từng ngày vì khí đốt - Chuyên gia khẳng định còn 'sống chung với lũ' dài dài

Đức Nam |

Chỉ một cuộc đình công ở cảng xuất khẩu ở Úc hay một đợt rét đậm bất thường ở Nhật Bản, Trung Quốc, giá khí đốt tại châu Âu sẽ lập tức leo thang.

Khổ như EU: Dự trữ đầy kho vẫn thấp thỏm từng ngày vì khí đốt - Chuyên gia khẳng định còn sống chung với lũ dài dài - Ảnh 1.

Các chính phủ châu Âu và thị trường khí đốt tự nhiên đã “bình tĩnh” hơn nhiều vào đầu mùa đông năm nay so với năm ngoái nhờ các kho dự trữ khí đốt được lấp đầy và dòng cung cấp LNG ổn định.

Tuy nhiên, EU vẫn liên tục đưa ra cảnh báo bất chấp lượng hàng tồn kho đầy đủ và nhu cầu tiêu thụ khí đốt giảm sút – do các ngành công nghiệp và sử dụng năng lượng trong các hộ gia đình giảm sút.

Ngay cả khi EU vượt qua mùa đông này mà không gặp gián đoạn hay sự thiếu hụt nào về nguồn cung khí đốt, họ vẫn phải đối mặt với một thực tế là giá khí đốt tự nhiên của họ đang được quyết định ở một nơi xa xôi nào đó – chẳng hạn Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

“Châu Âu có thể không gặp khó trong việc tìm nguồn cung cấp LNG nhưng cái giá mà họ phải trả để mua khí đốt sẽ được quyết định ở một nơi khác”, nhà phân tích John Kemp của Reuters cho biết.

Sự phụ thuộc vào LNG

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào LNG, vốn thay thế phần lớn nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống bị mất từ Nga, khiến châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước các vấn đề cung – cầu toàn cầu. Một cuộc đình công tại một cảng xuất khẩu LNG của Úc, một vụ hỏa hoạn tại nhà máy của Mỹ hoặc một đợt rét đậm ở Nhật Bản, Trung Quốc sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên châu Âu – như những gì đã diễn ra trong 2 tháng qua.

Nhu cầu LNG ở châu Âu và châu Á đã tăng trong tháng 11 so với tháng 10 nhưng giá LNG giao ngay ở châu Á vẫn ổn định trong vài tuần qua khi dự trữ khí đốt còn cao.

“Nhu cầu từ người dùng ở Đông Bắc Á còn yếu, lượng tồn kho tiếp tục cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc”, Samuel Good, người đứng đầu bộ phận định giá LNG tại Argus nói với Reuters vào tuần trước.

Khổ như EU: Dự trữ đầy kho vẫn thấp thỏm từng ngày vì khí đốt - Chuyên gia khẳng định còn sống chung với lũ dài dài - Ảnh 2.

Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã tăng trong tuần này khi các thương nhân đánh giá về nhu cầu sưởi ấm của người dùng. Nhiệt độ dưới mức trung bình hàng năm đã làm tăng nhu cầu sưởi ấm và khí đốt tự nhiên. Các thương nhân cũng bắt đầu rút kho dự trữ, vốn đang ở mức cao kỷ lục của châu Âu.

Tồn kho khí đốt cao kỷ lục ở châu Âu

Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, 98,69% kho lưu trữ khí đốt ở EU đã lấp đầy, tính đến ngày 21/11. Dữ liệu cho thấy trong những tuần qua, hầu hết các nước EU đã rút một lượng nhỏ khí đốt từ kho lưu trữ của họ. Đây là đợt rút ròng liên tiếp đầu tiên từ kho dự trữ kể từ tháng 4 – thời điểm kết thúc mùa sưởi ấm năm ngoái.

Đầu tháng 11, các kho lưu trữ của EU đầy đến 99,6%, cao hơn nhiều so với mức trung bình tồn kho 89% trong 10 năm qua, Kemp của Reuters nhận định.

Theo dự đoán, mùa đông năm nay có thể kết thúc với kho dự trữ ở châu Âu còn lấp đầy 52%, hoặc xuống còn 35% vào tháng 4 năm sau nếu mùa đông thực sự lạnh. Trong khi đó, nếu mùa đông “ôn hòa” hơn, kho dự trữ sẽ còn đến 70%.

Hiện tại, tồn kho kỷ lục và dòng LNG ổn định giúp EU tin tưởng cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, sự yên bình trên thị trường có thể lại trở thành bất ổn nếu mùa đông thực sự lạnh ở châu Âu và cả châu Á.

Không thể đoán trước

Các nhà phân tích cảnh báo châu Âu không nên chủ quan khi mùa đông đến gần bởi rủi ro thị trường thắt chặt và giá cả tăng cao vẫn còn.

Không ai có thể dự đoán mùa đông năm nay ở Bắc bán cầu sẽ lạnh đến mức nào. Mùa đông năm ngoái ấm hơn thường lệ ở châu Âu khi lục địa này tranh nhau nhập khẩu LNG để thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga, bất chấp giá tăng vọt.

Không chắc mùa đông năm nay sẽ ấm hơn bình thường và thời tiết chính là nhân tố chính có thể gây bất ổn trên thị trường khí đốt.

“LNG đã phát triển thành một mặt hàng toàn cầu, có tác động đáng kể đến sự biến động giá cả mà thị trường trải qua những năm gần đây”, Ana Maria Jaller-Makarewicz, trưởng nhóm phân tích năng lượng của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) châu Âu nói hồi đầu năm.

“Sự không chắc chắn về các sự kiện trong tương lai có thể ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt, khiến việc dự đoán cung – cầu trở nên khó khăn hơn. Giá cả leo thang ra sao cũng là chuyện rất khó đoán”, ông nói.

Nguồn: Oil Price

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại