Siêu tập đoàn nắm 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc muốn hợp tác với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam

Tiến Đạt |

2 năm trước, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt việc hợp nhất 3/6 công ty Trung Quốc lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, tạo ra một siêu doanh nghiệp mới mang tên Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc.

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc do ông Hồ Cổ Hoa - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dẫn đầu.

Lời ngỏ của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc

Ông Hồ Cổ Hoa cho biết, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc có quyền khai thác tài nguyên ở các tỉnh Giang Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Hồ Nam, cũng như khu tự trị Quảng Tây. Tập đoàn kiểm soát 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc, bao gồm gần 70% sản lượng đất hiếm nặng và gần 42% sản lượng phân tách và xử lý quặng của quốc gia.

Tại buổi làm việc, ông Hồ Cổ Hoa bày tỏ mong muốn tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong thời gian tới với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết sẽ trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ hội hợp tác giữa Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc và TKV dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành.

Vào ngày 18/7/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải có dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.

Hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tác các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài.

Chân dung siêu tập đoàn đất hiếm

2 năm trước, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt việc hợp nhất 3/6 công ty Trung Quốc lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, tạo ra một siêu doanh nghiệp mới mang tên Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (China Rare Earth Group Co. Ltd).

3 công ty này là Aluminum Corporation of China, China Minmetals Corporation và Ganzhou Rare Earth Group Co., Ltd, mỗi công ty nắm giữ 20,3% cổ phần trong liên doanh mới.

Bên cạnh đó, Ủy Ban giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc là Cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này (31,21%), còn lại là hai cổ đông nhỏ gồm công ty nghiên cứu China Iron & Steel Research Institute Group và Grinm Group Corporation Ltd.

Việc sáp nhập nhằm mục đích tăng cường, củng cố sức mạnh của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu, vốn nằm trong tay họ suốt nhiều năm qua. Sau sáp nhập, áp lực cạnh tranh trong ngành này của Trung Quốc cũng giảm đi, khi số lượng nhà sản xuất lớn giảm từ 6 xuống chỉ còn 4. Tính đến năm 2020, Trung Quốc sản xuất tới 57,6% sản lượng đất hiếm trên thế giới và là nhà cung cấp hàng đầu cho các doanh nghiệp sử dụng loại khoáng sản này.

Siêu tập đoàn nắm 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc muốn hợp tác với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam - Ảnh 1.

Cơ cấu sở hữu của Công ty Đất hiếm Trung Quốc (Ảnh: China-briefing)

Doanh nghiệp sau sáp nhập này có hạn ngạch khai thác vào khoảng 53.000 tấn (31% tổng hạn ngạch toàn quốc), 47.000 tấn hạn ngạch luyện kim (29% hạn ngạch quốc gia), chiếm trên 60% nguồn cung đất hiếm trên toàn bộ Trung Quốc.

Nhờ đó, họ có thể kiểm soát mức giá các loại đất hiếm quan trọng như dysprosium và terbium một cách dễ dàng hơn, góp phần làm thay đổi và tăng cường tầm quan trọng của Trung Quốc hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với tầm quan trọng ngày càng lớn của đất hiếm, như các loại sản phẩm công nghệ cao (máy tính, điện thoại…), thiết bị quân sự (laser, radar…) và đặc biệt là trong việc sản xuất pin dành cho ô tô điện – sản phẩm đang được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa các công ty sẽ giúp tăng cường hợp tác về mặt công nghệ, giúp cho công ty hợp nhất tối đa hoá việc sản xuất.

Siêu tập đoàn nắm 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc muốn hợp tác với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam - Ảnh 2.

Các loại sản phẩm đất hiếm của Công ty Đất hiếm Trung Quốc (Ảnh: China Rare Earth Group)

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty Đất hiếm Trung Quốc đạt hơn gần 3,8 tỷ CNY (531 triệu USD).

Trong năm tài chính 2022, Công ty đạt doanh thu gần 3,8 tỷ CNY (531 triệu USD), tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng trưởng vượt trội so với năm trước đó, tăng 116,65%, đạt 415 triệu CNY (58 triệu USD).

Bên cạnh việc tập trung gia tăng nguồn lực và phát triển các sản phẩm trong nước, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác liên quan đến đất hiếm ở nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại