Khó khăn trong kế hoạch của Đức nhằm thoát phụ thuộc khí đốt Nga

Hoài Thanh |

Ba trạm nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) đang được xây dựng, nhưng những cơ sở này gặp phải khó khăn do thị trường khí đốt căng thẳng về nguồn cung.

Ba địa điểm dự kiến (chấm đỏ) đặt các trạm nhập khẩu LNG tại Đức. Ảnh: FT

Ba địa điểm dự kiến (chấm đỏ) đặt các trạm nhập khẩu LNG tại Đức. Ảnh: FT

Khu vườn nằm bên bờ sông Elbe River ở miền bắc nước Đức, nơi cây cối mọc cao và có nhiều mòng biển sinh sống, sẽ là điểm mấu chốt giúp Đức thoát khỏi phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Khu vườn nằm sát thành phố Stade này sẽ sớm được dọn quang để mở đường cho dự án xây dựng trạm LNG trị giá 1 tỉ euro. Đây là một trong ba trạm LNG quyết định tới tương lai năng lượng của Đức.

“Địa điểm xây dựng nhà máy thật lý tưởng” - Jörg Schmitz, Giám đốc cấp cao dự án LNG thuộc tập đoàn Dow Germany mô tả về khu vực thuận tiện cho việc qua lại của tàu bè, giáp cửa sông Elbe, Biển Bắc về phía tây và cảng Hamburg về phía đông. Một khi tầm nhìn của ông Schmitz biến thành hiện thực, Stade sẽ trở thành một trung tâm giao thương LNG toàn cầu.

“Nếu mọi chuyện theo đúng kế hoạch, chúng ta sẽ chứng kiến khoảng 100 chuyến tàu chở LNG cập cảng tại đây, kể cả tàu cỡ Q-Max [tàu chở LNG lớn nhất thế giới, với chiều dài gấp ba lần chiều dài sân bóng đá tiêu chuẩn]”, ông Schmitz nói.

Stade hiện là tuyến đầu trong cuộc cách mạng năng lượng tại Đức. Chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz công bố kế hoạch giảm triệt để phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga. LNG là điểm then chốt trong bước đi này, với mục tiêu nhập khẩu khí đốt từ Nga giảm từ 55% trước thời điểm nổ ra cuộc chiến ở Ukraine xuống còn 10% vào mùa hè năm 2024.

Nhưng bước chuyển này cũng sẽ đầy thách thức. Việc theo đuổi nguồn cung khí đốt mới đi ngược lại cam kết của Berlin về cắt giảm phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2045. Ngoài ra, Đức cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong tiếp cận nguồn cung LNG trên thị trường toàn cầu. “Câu hỏi đặt ra là liệu Đức có đủ khả năng tiếp cận được nguồn cung LNG cần thiết hay không. Nguồn cung mới trong 2-3 năm tới đây khá hạn hẹp”, Frank Harris, chuyên gia về năng lượng tại hãng từ vấn Wood Mackenzie, nhận định.

Thay đổi chính sách này đang được triển khai với tốc độ nhanh bất ngờ so với các tiêu chuẩn thông thường tại Đức. Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Scholz vào cuối tháng 2, chính phủ Đức đã nhanh chóng đặt thuê bốn tàu chở nổi và tái hóa khí (FSRU) đặc chủng.

Chuyến tàu FSRU đầu tiên dự kiến cập cảng Wilhelmshaven trên bờ Biển Bắc trong cuối năm nay. Tàu sẽ đóng vai trò là trạm nổi cho đến khi các trạm nhập khẩu trên bờ được hoàn tất và đi vào vận hành. Đến nay, Đức cũng đã xác định xong ba vị trí xây trạm, gồm một trạm ở Stade, một trạm gần Brunsbuttel trên sông Elbe và trạm còn lại đặt tại Wilhelmshaven. Tập đoàn Dow đã lên kế hoạch xây dựng trạm Stade trong suốt 5 năm qua.

Thuê được bốn tàu FSRU trong thời gian gấp là thành công của Đức, bởi trên thị trường hầu như không còn trống loại tàu này. Nhưng thuê được tàu mới chỉ là một nửa câu chuyện. “Thách thức lớn chính là việc tích đầy các khoang chứa LNG trên FSRU. Sẽ rất khó khăn để làm được điều này, khi mà nguồn cung LNG trên thị trường khan hiếm”, Andreas Gemballa, giám đốc phụ trách mảng LNG tại công ty năng lượng Uniper (Đức), bình luận.

Điều trớ trêu nằm ở chỗ nguồn cung mới lớn nhất về LNG trong vòng 2-3 năm tới lại đến từ Nga, khi các mỏ thuộc dự án LNG-2 nằm trên bán đảo Gydan thuộc phía bắc Siberia theo kế hoạch sẽ đi vào khai thác, vận hành. Nhưng ngay cả nguồn cung này cũng gặp khó, dễ bị trì hoãn bởi lệnh trừng phạt khiến Nga không tiếp cận được với nguồn vốn và công nghệ cần thiết, trong khi một số khách hàng phương Tây sẽ không mua LNG tại dự án này.

 Khó khăn trong kế hoạch của Đức nhằm thoát phụ thuộc khí đốt Nga  - Ảnh 2.

Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Qatar. Ảnh: AP

Qatar có thể là nhà cung cấp LNG lớn cho Đức. Sản lượng LNG của Qatar hiện đạt 77 triệu m3 tấn/năm và dự kiến sẽ tăng khoảng 60%, lên mức 110 triệu m3 tấn vào năm 2025 nhờ đưa vào khai thác 4 mỏ mới và lên 126 triệu m3 tấn vào năm 2027 sau khi bổ sung thêm 2 mỏ khác. Nhưng có đến 90-95% sản lượng hiện hành được Qatar xuất khẩu theo các hợp đồng dài hạn.

Thực tế này cho thấy một điểm nghẽn mà Đức gặp phải – hợp đồng LNG thường được ký kết dưới dạng dài hạn. Tuân thủ các hợp đồng này có thể sẽ khiến cam kết về mục tiêu trung hòa carbon của Đức vào năm 2045 khó thành hiện thực.

LNG thường được giao dịch qua chỉ số tương quan với giá dầu hoặc trên sàn Henry Hub (biểu tiêu chuẩn khí đốt của Mỹ) vốn đôi khi có mức giá cao hơn so với chuẩn Dutch TTF của châu Âu. Chính điều này khiến khách mua đứng trước nguy cơ tổn thất về tài chính. Vì lý do này, các nhà sản xuất LNG lớn của Qatar thường thích ký kết hợp đồng với các đối tác châu Á hơn, khi những nhà nhập khẩu này không ngần ngại ký thỏa thuận có thời hạn hiệu lực lên đến 20 năm.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck là người bận rộn với bước chuyển đổi này, với các chuyến thăm tới Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để thảo luận về hợp tác năng lượng. Nhưng chính bản thân ông cũng cảnh báo về mối nguy Đức dễ mắc kẹt trong các dự án hạ tầng khí đốt đắt đỏ, có thể “khóa cứng” nước này phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Theo ông Habeck, Đức đã khá thành công trong thay thế nguồn cung khí đốt Nga về ngắn hạn. Nhưng Berlin cũng không muốn phải bỏ thêm 30-40 năm để xây dựng ngành công nghiệp khí đốt toàn cầu và nhận lại nguồn năng lượng mà nước này không mong đợi gắn với cam kết về môi trường. Khai thác nguồn khí đốt chỉ giúp giải quyết cơn khát nhiên liệu ngắn hạn. Về dài hạn, vẫn phải tính đến giải pháp nâng gấp 3-4 lần công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo – ông Habeck bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại