Roman Abramovich, cựu chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, là một trong những ông trùm người Nga đang tìm cách đưa EU ra tòa vì các lệnh trừng phạt. Ảnh: EPA-EFE
Ít nhất 20 trong số các ông trùm quyền lực nhất của Nga đang đệ đơn kiện Liên minh châu Âu để phá băng tài sản và phản đối lệnh cấm thị thực của họ. Trong số này có Roman Abramovich, cựu chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, người rơi vào danh sách trừng phạt hồi cuối tháng 3 vì bị cáo buộc hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin.
Theo tờ Politico, một danh sách các hồ sơ nộp lên tòa án cao cấp thứ hai của EU, Tòa Sơ thẩm châu Âu (European General Court), cho thấy một loạt các tên trùng lặp với danh sách các cá nhân bị trừng phạt mà Hội đồng EU đã đưa ra trước đó. Ngoài ra còn có những vụ kiện ẩn danh có thể liên quan đến nhiều nhà tài phiệt Nga hơn.
Trong số những cái tên nổi tiếng có Fridman, Aven và Usmanov, những người đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5.
Danh sách của tòa án hiện chỉ đề cập đến tên họ của các cá nhân mà không rõ khiếu kiện cụ thể, nhưng những cái tên tương tự như thế cũng xuất hiện trong danh sách các cá nhân bị trừng phạt của Hội đồng EU.
EU đã trừng phạt Mikhail Fridman, người sáng lập công ty đầu tư Nga Alfa Group. Họ cũng đóng băng tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với Petr Aven, đối tác kinh doanh cũ của Fridman, người mà EU coi là "một trong những nhà tài phiệt thân cận nhất của [Tổng thống] Vladimir Putin". Tỷ phú Nga Alisher Usmanov cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Công ty và đại diện của Fridman và Aven hiện không đưa ra bình luận. Người phát ngôn của tỷ phú Usmanov từ chối bình luận "về các thủ tục pháp lý liên quan đến các lệnh trừng phạt”.
Không chỉ các cá nhân, một loạt các tổ chức của Nga cũng đang khiếu nại về hành động trừng phạt họ của EU. Đài truyền hình RT đã đệ đơn khiếu nại chống lại việc đình chỉ hoạt động của đài, mà Tòa Sơ thẩm châu Âu đã ủng hộ, nhưng một phiên điều trần khác đã được lên lịch vào ngày 10/6.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga đệ đơn khiếu nại sau khi EU cấm đầu tư vào quỹ này vào tháng 3. Tổ chức đầu tư VEB.RF, do ông Putin bổ nhiệm chủ tịch, cũng đã khởi động hành động pháp lý. Tuy nhiên các công ty này không trả lời yêu cầu bình luận từ Politico.
Mặc dù Toà sơ thẩm châu Âu không bình luận về các vụ kiện riêng lẻ, người phát ngôn Jacques Zammit nói rằng sẽ còn lâu các bản án được công bố. Ông nói: "Một vụ án có thể mất hàng tháng, chắc chắn, thậm chí khoảng một năm cho một vụ từ đầu đến cuối". Nhiều vụ chỉ khâu hồ sơ cũng kéo dài vài tuần hay vài tháng.
Cho đến nay, EU đã áp lệnh trừng phạt với hơn 1.000 cá nhân.
Từ năm 2008 đến năm 2015, EU đã thua kiện trong khoảng 2/3 các thách thức pháp lý đối với các lệnh trừng phạt mà khối đã áp đặt - theo một nghiên cứu do Nghị viện châu Âu yêu cầu.
Nhưng ngay cả khi các nhà tài phiệt Nga thắng kiện, họ có thể không lấy lại được tiền. Chuyên gia Andreas Geiger tại công ty vận động hành lang Alber & Geiger, nói rằng việc kiện Hội đồng châu Âu là "vô ích" ngay cả khi tòa án ra phán quyết có lợi cho người khiếu nại.
Đó là bởi vì Hội đồng đưa ra danh sách các biện pháp trừng phạt mới mỗi năm, mà - nói một cách hợp pháp - dựa trên danh sách trước đó. "Những người này sẽ ở trong danh sách trừng phạt - ngay cả khi họ thắng ở tất cả các vụ kiện, hết vụ này đến vụ khác, năm này qua năm khác - chừng nào Hội đồng muốn, bởi vì họ luôn đưa ra một quyết định mới, ngay cả khi tòa án phán quyết quyết định của họ là bất hợp pháp”, ông Geiger nói,
Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, một đồng minh của Nga, đã gửi đơn khiếu nại trong nhiều năm. Tài sản của ông “vua socola” đã bị đóng băng vào năm 2014 với cáo buộc biển thủ công quỹ ngay trước khi ông bị phế truất bởi các cuộc biểu tình. Vào tháng 6 năm ngoái, tòa án đã đứng về phía Yanukovich, nhưng EU vẫn tuyên bố sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt. Hai đơn kiện mới do Yanukovych ký tên đã được trình lên toà án vào tháng trước.
Chuyên gia Geiger nói, cách duy nhất để thoát khỏi danh sách trừng phạt là tham gia vào các cuộc vận động hành lang chính trị kéo dài.
Nhưng EU cũng có thể có câu trả lời cho điều đó. Gói trừng phạt mới nhất của khối, có hiệu lực vào 3/6, đã quy định rằng các công ty châu Âu thực hiện hoạt động vận động hành lang cho người Nga hoặc chính phủ Nga là bất hợp pháp.