Xung đột Nga – Ukraine có nguy cơ vượt ra ngoài Donbass. Ảnh: Reuters
Mục tiêu của các bên
"Mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định trong một bài bình luận trên New York Times đầu tuần trước. "Chúng tôi muốn thấy một đất nước Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng, cũng như được trang bị các phương tiện để tự vệ và ngăn chặn các hành vi gây hấn".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, cuộc chiến "chỉ thực sự kết thúc qua ngoại giao". Song ông cũng nhận định: "Mỗi cuộc đàm phán đều phản ánh những thực tế trên chiến trường. Chúng tôi đã nhanh chóng chuyển cho Ukraine số lượng lớn vũ khí và đạn dược để nước này có thể chiến đấu và đạt được vị thế mạnh mẽ nhất trên bàn đàm phán”.
Tuy nhiên, liệu những thực tế trên chiến trường mà Nhà Trắng nhắc tới là gì, giữa bối cảnh phương Tây đang tiến hành những chương trình cung cấp vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo chưa từng có cho Ukraine, để kết luận rằng đã đến lúc đàm phán? Tổng thống Biden đã đưa ra một số câu trả lời cụ thể. Nhưng liệu Kiev có sẵn sàng chấp nhận một kết luận như vậy?
Trên thực tế, bài phát biểu của Tổng thống Biden không đánh giá toàn bộ lập trường theo chủ nghĩa tối đa mà chính phủ Ukraine theo đuổi. Tổng thống Zelensky và các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông đã khẳng định rõ trong những tháng gần đây rằng họ không chấp nhận bất kỳ điều gì cản trở một chiến thắng quyết định trước Nga, tức là chỉ có thể tiến tới các thỏa thuận hòa bình khi những điều kiện của họ đã đạt được.
Cố vấn của Tổng thống Zelensky - ông Mykhailo Podolyak cho rằng: "Sẽ tốt hơn nếu giới chức châu Âu và Mỹ hiểu rằng Nga phải bị đánh bại và chịu thất bại đau đớn nhất có thể".
Ukraine cũng khẳng định rõ một "chiến thắng" là như thế nào.
"Cuộc chiến phải kết thúc với việc Ukraine khôi phục hoàn toàn về lãnh thổ và chủ quyền. Đó chính là chiến thắng của chúng tôi", người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak nhận định.
Hồi tháng 5, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng cho rằng ông coi việc khôi phục tình trạng biên giới như trước ngày 24/2 là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán thực chất nào với Nga.
“Họ phải rút lui và trong bối cảnh đó, chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận về mọi thứ một cách bình thường".
Tuy nhiên, rõ ràng Nga không có ý định sẽ từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào họ kiểm soát được ở phía Đông Ukraine. Trái lại, những dấu hiệu ban đầu cho thấy Moscow đang lên kế hoạch củng cố sự kiểm soát lâu dài ở khu vực Donbass và Kherson. Các quan chức ở Kherson đã tuyên bố họ đang chuẩn bị để trở thành một phần lãnh thổ của Nga.
"Chúng tôi đang xem xét để coi Liên bang Nga là đất nước của mình bởi khu vực này hiện được đặt dưới sự kiểm soát của Lực lượng Vũ trang Nga và sau đó sẽ được chuyển thành một chủ thể trong liên bang", Thống đốc Kherrson được Nga bổ nhiệm Volodymyr Vasylovych Saldo nhận định với truyền thông nhà nước Nga. Các quan chức địa phương cũng cho biết Kherson đã bắt đầu chuyển lúa mì sang lãnh thổ Nga và các loại hàng hóa khác sẽ được xuất khẩu sang không lâu sau đó.
Nguy cơ xung đột vượt ngoài chiến trường Donbass
Bản đồ cuộc xung đột gần đây nhất cho thấy, ít nhất 20% lãnh thổ của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Các lực lượng của Nga được cho là đã kiểm soát phần lớn thị trấn Severodonetsk - thành trì cuối cùng của Ukraine ở khu vực Lugansk. Nga cũng sẽ tiến công theo hướng thành phố Lysychansk gần đó trong nỗ lực hoàn thành vòng vây bao quanh quân đội Ukraine, hiện vẫn chưa rút khỏi khu vực Severodonetsk-Lysychansk.
Rõ ràng, Nga sẽ không chấp nhận nhượng bộ để quay lại tình trạng biên giới trước khi xung đột vũ trang nổ ra, mặc dù mục tiêu đầy đủ của Moscow hiện vẫn chưa rõ ràng.
Các quan chức Ukraine cho rằng quân đội Nga đang nối lại các cuộc tấn công nhằm vào những thành phố có vị trí chiến lược ở phía Đông như Sloviansk và Kramatorsk. Việc kiểm soát những khu vực này sẽ giúp Nga củng cố sự hiện diện ở Donbass. Tuy nhiên, mặc dù Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay là nhằm "bảo vệ" các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk nhưng nhiều khả năng Nga sẽ chưa chấm dứt chiến dịch sau khi kiểm soát được Donbass.
Từ những tháng trước đó, một số nhà quan sát cho rằng mục tiêu tiếp theo của Nga là tiếp tục tiến công về phía Tây theo hướng thành phố Dnipro như một phần trong nỗ lực rộng hơn nhằm ngăn chặn lực lượng Ukraine dọc hạ lưu sông Dnieper. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chính trị gia Nga, các quan chức điện Kremlin cũng như các chuyên gia quân sự gần đây cho rằng quân đội Nga nên tiến hành một chiến dịch tiến công lớn về phía Nam theo hướng Odessa. Thành viên Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Konstantin Zatulin cho rằng, với Nga, Odessa - trung tâm cảng biển Tây Nam của Ukraine có ý nghĩa chiến lược lớn hơn thủ đô Kiev. Mất đi Odessa sẽ khiến Ukraine trở thành một quốc gia không thể tiếp cận biển và dần sụp đổ về kinh tế.
Việc kiểm soát bờ biển Biển Đen của Ukraine không chỉ gia tăng ảnh hưởng của Nga đối với những tuyến vận chuyển hàng hải then chốt mà còn cung cấp cho Nga một vị trí thuận lợi để gây sức ép với NATO ở sườn Đông Nam của liên minh này. Khả năng giành lấy và kiểm soát Odessa là bước đầu tiên trong kế hoạch tham vọng của Nga để thiết lập một hành lang nối đất liền với biển tới khu vực ly khai Transnistria được Nga ủng hộ của Moldova.
Tuy nhiên, tuyến đường quân sự của Nga tới Odessa chạy qua thành phố Mykolaiv, hiện đang được Ukraine bảo vệ nghiêm ngặt, để kiểm soát được có thể sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực. Thậm chí, với sự hỗ trợ về hỏa lực như hiện nay từ Hạm đội Biển Đen, nếu muốn tới được Odessa từ trục đường Kherson-Mykolaiv, lực lượng của Nga vẫn sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Bất kể kết quả như thế nào, cuộc chiến giành thành phố này có thể kéo dài nhiều tháng.
Giữa bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã vượt qua mốc 100 ngày, mục tiêu mà các bên theo đuổi ngày càng không tương thích với những gì họ từng đặt ra. Nga, Ukraine hay phương Tây dường như đều chưa sẵn sàng bước vào đàm phán để giảm leo thang căng thẳng. Thực tế chiến trường đã cho thấy một viễn cảnh ảm đạm: Đó là điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến./.