Hãng tin RT dẫn lời các nhà phân tích cho biết, việc bắt giữ các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Anh ở eo biển Hormuz là tín hiệu cho thấy Iran đã hết kiên nhẫn. Việc này là do sự im lặng của châu Âu trong hơn một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trước tháng 5, Iran đã thực hiện các biện pháp kiềm chế một cách cực đoan mặc dù bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ và sự thất vọng của họ đối với thất bại của châu Âu trong việc bù đắp những tổn thất mà họ gây ra, ông Hamed Mousavi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tehran cho biết.
Cuối cùng thì Iran đã hết kiên nhẫn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi “Mỹ chắc chắn rằng Iran còn rất ít lựa chọn.”
“Trong một năm, Tehran không làm gì cả và đã tuân thủ từng chữ thỏa thuận hạt nhân với hy vọng châu Âu sẽ đưa ra một cơ chế cho phép Iran phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ”, ông Mousavi nói.
Bằng cách không cam chịu nữa, Iran muốn gửi một tín hiệu rõ ràng đến Anh, “nhưng đặc biệt là đến Mỹ”, rằng Tehran “có đầy đủ các phương tiện và sức mạnh để đối phó với áp lực và các hành động gây hấn”. Những hành động của Iran cũng là phản ứng trước việc gia tăng quân đội Mỹ tại Trung Đông, ông Mousavi nói thêm.
Nhà báo Iran và chuyên gia về Trung Đông Abbas Aslani đồng ý rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận cùng với việc châu Âu không có hành động gì là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng.
Mỹ có thể dùng các lực lượng quân sự của mình ở Vịnh Ba Tư, nhưng có vẻ như Mỹ không mong muốn vướng vào một cuộc chiến lớn với Iran, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tiến gần hơn. Bên cạnh đó, Iran cũng đã thuyết phục được Mỹ rằng đây sẽ không bao giờ là một cuộc chiến mà Mỹ có thể chiến thắng trong thời gian ngắn.
“Những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi là một cuộc tấn công ngắn và nhanh chóng. Nhưng Iran đã đảm bảo thông qua các kênh rằng sẽ không có cuộc chiến nhanh chóng nào xảy ra nếu Mỹ tấn công Iran”, ông Aslani nói.
Thay vào đó, Mỹ có thể sẽ vướng vào một chiến dịch dài mà Mỹ sẽ chứng kiến Iran tấn công các căn cứ và lợi ích quân sự của mình trong khu vực. Sự sa lầy này có thể khiến ông Trump trả giá bằng việc tái đắc cử của mình.
Đây có thể là một cuộc chiến toàn diện đẫm máu và tốn kém trong khu vực.
Iran đã bắt giữ hai tàu của Anh ở eo biển Hormuz hôm 19-7. Một trong số đó đã được thả ra sau khi tàu đó nhận được cảnh báo về các vấn đề an toàn và môi trường.
Tàu còn lại, Stena Impero, vẫn đang bị Iran bắt giữ sau khi bị buộc tội vi phạm luật hàng hải. Iran tuyên bố rằng tàu chở dầu này đã tắt thiết bị theo dõi của mình và bỏ qua các cảnh báo trước khi bị bắt giữ. Anh đã tuyên bố vụ việc này là “không thể chấp nhận được”, nhưng cũng nói rằng họ hy vọng sẽ giải quyết thông qua biện pháp ngoại giao.
“Chắc chắn tàu này bị bắt giữ để trả đũa cho hành động của Anh”, ông Kevin Afrasiabi, cựu cố vấn của nhóm đàm phán hạt nhân Iran nói với hãng tin RT.
Ông Afrasiabi cho biết ông tin rằng chính phủ Anh có thể dễ dàng tránh được tình trạng bế tắc với Iran nếu họ thả tàu chở dầu Iran đã bị bắt giữ hai tuần trước. Tuy nhiên, Anh lại dại dột chen vào cuộc khủng hoảng giữa Iran và Washington.
Thay vì chấm dứt khủng hoảng, “Anh quyết định tiếp tục xoa dịu những kẻ hiếu chiến ở Washington bằng cách hỗ trợ lệnh cấm vận dầu bất hợp pháp đơn phương đối với Iran do Mỹ áp đặt" và quân sự hóa vùng Vịnh.
Đầu tuần này, tin tức đã lộ ra rằng một tàu chiến lớn thứ ba của Anh sẽ lên đường đến Vịnh Ba Tư vào giữa tháng 9. Anh đã có một tàu chiến đóng quân vĩnh viễn trong khu vực và một tàu khác hiện đang đi về phía Vịnh để giải tỏa áp lực.
London “nghĩ rằng họ có thể chà đạp lên quyền của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba mà không bị trừng phạt và hy vọng phía bên kia sẽ gục ngã”, ông Afrasiabi nói. Nhưng điều đó "sẽ không xảy ra với Iran. Mặt khác, nếu Anh có lùi lại một bước và thả chở dầu, ông tin rằng Iran vẫn sẽ đáp lại.