21h37: Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Tobias Ellwood nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng hàng đầu của Anh ở thời điểm hiện tại là đảm bảo có được giải pháp cho vấn đề hiện nay, cũng như đảm bảo các tàu mang cờ Anh có thể an toàn hoạt động tại vùng biển thuộc vùng Vịnh.
Khi được hỏi liệu London có xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran hay không, ông Ellwood khẳng định Anh đang xem xét các biện pháp ứng phó với việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu mang cờ của nước này, đồng thời cho biết London sẽ tham vấn các đồng sự, đồng minh quốc tế về các biện pháp cụ thể.
20h30: Đại sứ Iran tại Anh hối thúc Anh kiềm chế "các thế lực chính trị trong nước" mà ông cho rằng muốn căng thẳng giữa hai nước leo thang vượt ra khỏi quy mô vụ việc các tàu bị bắt giữ.
Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad. Ảnh: Tehran Times
"Đây là điều hết sức nguy hiểm và dại dột ở thời điểm nhạy cảm hiện nay trong khu vực" - ông Hamid Baeidinejad viết trên Twitter.
"Tuy nhiên, Iran rất cứng rắn và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi kịch bản có thể xảy ra" - ông Baeidinejad khẳng định.
19h20: Iran cho biết, số phận của tàu chở dầu Stena Impero sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của kíp thủy thủ trên tàu đối với cuộc điều tra do nước này tiến hành. Hiện tàu Stena Impero, với 23 thủy thủ, đang neo tại cảng Bandar Abbas sau khi bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ tại eo biển Hormuz hôm 19/7.
Kíp thủy thủ trên tàu gồm 18 người Ấn Độ (trong đó có thuyền trưởng), 3 người Nga, 1 người Lativa và 1 người Philippines.Ấn Độ, Latvia và Philippines cho biết họ đang làm việc với Iran để tìm cách trả tự do cho các công dân nước mình.
"Nếu các anh tuân thủ, các anh sẽ an toàn" - Tàu Iran cảnh cáo tàu dầu Anh trước khi bắt giữ. Nguồn: BBC News
"Tất cả các thủy thủ đều trong tình trạng sức khỏe tốt, họ ở trên tàu và con tàu thì đang được neo đậu tại một nơi an toàn" - ông Allah-Morad Afifipoor, người đứng đầu Tổ chức Hàng Hải và Cảng biển của Iran tại tỉnh Hormozgan cho hay.
"Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng những thứ họ cần. Nhưng chúng tôi phải tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến con tàu", ông Afifipoor nói với Press TV, "Cuộc điều tra sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các thủy thủ trên tàu, và mức độ tiếp cận của chúng tôi đối với những chứng cứ cần thiết để làm rõ vấn đề. Chúng tôi sẽ dốc hết nỗ lực để thu thập thông tin sớm nhất có thể".
16h40: Oman đang thúc giục Iran trả tự do cho tàu chở dầu Anh Stena Impero và cho biết họ đã liên lạc với tất cả các bên liên quan để đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại.
Oman cũng đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và giải quyết xung khắc qua kênh ngoại giao.
"Vương quốc Oman đang liên hệ với tất cả các bên liên quan để đảm bảo hoạt động đi lại của các tàu thuyền thương mại qua eo biển Hormuz, trong khi vẫn bảo vệ chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình" - Thông báo của Bộ Quốc phòng Oman nêu rõ.
15h25: Toàn bộ 23 thủy thủ trên tàu chở dầu Stena Impero bị Iran bắt giữ đều an toàn - người đứng đầu Tổ chức Hàng Hải và Cảng biển của Iran tại tỉnh Hormozgan phát biểu trên truyền hình.
"Toàn bộ 23 thủy thủ trên tàu đều an toàn và trong tình trạng sức khỏe tốt tại cảng Bandar Abbas" - ông Allahmorad Afifipour cho hay.
Stena Bulk - đơn vị chủ quản của tàu Stena Impero tại Thụy Điển cho biết họ đang chuẩn bị gửi đề nghị chính thức tới Iran để được phép đến thăm các thủy thủ của tàu.
14h30: Theo hãng tin BBC, đoạn băng ghi âm ghi lại cuộc trao đổi qua radio giữa một khinh hạm Anh và các tàu của lực lượng vũ trang Iran trước khi tàu chở dầu Stena Impero bị Tehran bắt giữ tại vùng Vịnh vừa được công bố.
Trong đoạn đối thoại, một trong những chiếc tàu của Iran đã thông báo với khinh hạm HMS Montrose của Anh rằng phía Iran cần kiểm tra tàu chở dầu Stena Impero vì lý do an ninh. Sau đó, lực lượng Iran đã ập lên boong tàu Stena Impero hôm 19/7.
Khinh hạm HMS Montrose của Anh. Ảnh: Forces.net
BBC cho biết, đoạn ghi âm này do Công ty An ninh Hàng Hải Anh Dryad Global thu thập được. Cũng trong đoạn băng, tàu Iran đã yêu cầu một tàu - được cho là Stena Impero - thay đổi hành trình, đồng thời cảnh cáo rằng "Nếu các anh tuân thủ, các anh sẽ an toàn".
HMS Montrose sau đó liên lạc với tàu Stena Impero: "Các anh đang thực hiện hành trình qua eo biển quốc tế đã được công nhận. Theo luật pháp quốc tế, không bên nào được cản trở hành trình này".
Khinh hạm Anh tiếp tục liên lạc với tàu Iran để yêu cầu bên này xác nhận chắc chắn rằng họ "không có ý định vi phạm luật pháp quốc tế" khi tìm cách đưa lực lượng lên tàu Stena Impero với lý do an ninh.
13h45: Anh đang điều tra nghi vấn Iran đã bẫy tàu chở dầu Stena Impero đi lạc hướng bằng công nghệ gián điệp Nga để có cớ bắt giữ.
Theo Mirror, các nguồn tin an ninh cho biết, cơ quan tình báo MI6 của Anh đang điều tra xem liệu tình báo Iran có truyền tín hiệu giả cho thuyền trưởng tàu Stena Impero để điều khiển tàu dầu hướng tới vùng biển Iran hay không.
Tàu chở dầu Stena Impero. Ảnh: Gulf News
"Nga có công nghệ giả mạo tín hiệu GPS và có thể đã giúp Iran trong sự việc trên. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Iran và tình báo Nga hoạt động rất gần gũi ở Syria, cùng bảo vệ lợi ích chung. Iran có thể đã nhờ quân đội Nga giúp đỡ", nguồn tin tình báo Anh tiết lộ.
Các nhà điều tra Anh đang ra sức tìm kiếm những dấu vết chứng minh giả thuyết trên bằng cách xem xét liệu các máy bay do thám phương Tây trong khu vực có thu được bất kỳ tín hiệu đáng ngờ nào hay không.
12h40: Ngày 20/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẵn sàng đàm phán với Tehran về một loạt vấn đề mà không cần có điều kiện tiên quyết nếu như Iran quyết định muốn hành động như "một quốc gia bình thường".
Tuy nhiên, ông Pompeo cũng khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Iran sẽ chuyển hướng đi của mình trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
11h30: Saudi Arabia cuối cùng đã thả 1 tàu chở dầu Iran bị mắc kẹt tại thành phố cảng Jeddah trong hơn 11 tuần.
Tàu chở dầu Iran "Happiness 1", trực thuộc Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran (NITC) đã buộc phải neo tại cảng Jeddah của Saudi hôm 30/4 do trục trặc kỹ thuật.
Tàu chở dầu Happiness 1 (Nguồn: vesselfinder.com)
NITC cho biết, sự cố kỹ thuật đã khiến nước biển tràn vào phòng động cơ khi con tàu đang trên đường tới kênh đào Suez ở Biển Đỏ. Toàn bộ 26 thủy thủ trên tàu may mắn sống sót nhờ con tàu được nhanh chóng đưa đến cảng an toàn gần đó.
Tuy nhiên, Saudi Arabia đã từ chối để tàu Happiness 1 rời đi sau khi vấn đề kỹ thuật đã được khắc phục. Nước này thậm chí còn buộc NITC phải trả 200.000 USD một ngày cho chi phí bảo trì bổ sung.
Các nguồn tin cho biết tàu chở dầu Happiness 1 đã được thả hôm qua (20/7) và trở về nhà với toàn bộ kíp thủy thủ.
10h00: Cơ quan hàng hải Panama ngày 20/7 cho biết họ đã bắt đầu quá trình rút đăng ký của một tàu chở dầu mang tên MT Riah. Đây là con tàu đã được kéo về Iran sau khi nó biến mất khỏi bản đồ theo dõi tàu biển ở eo biển Hormuz hôm 14/7.
Panama bắt đầu quá trình thu hồi cờ vào hôm 19/7 sau khi kết quả điều tra xác định rằng chiếc tàu chở dầu này "đã vi phạm các quy định quốc tế" khi không báo cáo tình huống bất thường.
Hình ảnh do Press TV công bố cho thấy tàu chở dầu MT Riah bị các tàu của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bao vây.
"Chúng tôi lên án gay gắt việc sử dụng các tàu treo cờ Panama cho các hoạt động bất hợp pháp" - Thông báo của giới chức Panama nêu rõ.
Panama gần đây đã thu hồi cờ của nước này khỏi hàng chục con tàu, trong đó có một số chiếc do Iran vận hành. Hiện chưa rõ tàu chở dầu Riah thuộc quyền sở hữu của nước nào hay do công ty nào vận hành.
Đây là động thái mới nhất diễn ra sau vụ Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran do vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Syria. Panama cho biết con tàu này đã bị xóa tên khỏi sổ đăng ký vào ngày 29/5 năm nay.
Tính đến năm 2014, theo thống kê của hãng tin BBC, đã có 8.600 con tàu mang cờ Panama trên khắp thế giới.
Con số này nhiều hơn toàn bộ tàu của Mỹ (3.400 chiếc) và Trung Quốc (3.700) cộng lại, dù chủ của chúng là người nước ngoài. Lý do nằm ở hệ thống đăng ký tàu biển có tên "open registry" (đăng kiểm mở) ở Panama, cho phép tàu nước ngoài đăng ký mang quốc tịch nước này.
Các con tàu này sẽ treo cờ Panama và chịu các quy định về hàng hải, thuế phí của quốc gia Trung Mỹ chứ không phải nước của chủ tàu. "Dịch vụ" này rất thu hút các hãng tàu bởi thủ tục vô cùng đơn giản và Panama rất "dễ dãi" với các quy định về an toàn hàng hải, an toàn lao động, và đặc biệt, phí và thuế đăng ký cực kì thấp.
9h05: Theo tờ Daily Telegraph, các Bộ trưởng Anh đang lên kế hoạch trừng phạt Iran sau vụ bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt dự kiến sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế đối với Iran trong hôm nay (21/7).
Bên cạnh đó, Anh có thể thúc đẩy Liên Hiệp Quốc và Liên minh Châu Âu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt từng được nới lỏng cho Iran vào năm 2016 sau thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Reuters.
8h20: Ông Allahmorad Afifipour, giám đốc cơ quan phụ trách cảng biển của tỉnh Hormozgan ở phía nam Iran cho biết, tàu chở dầu mang cờ Anh bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ là do có liên quan đến một vụ “tai nạn” với một tàu đánh cá của Iran trên eo biển Hormuz.
Theo ông Allahmorad, tàu Stena Impero của Anh đã không đáp lại “tín hiệu kêu cứu” từ tàu Iran.
7h35: Iran ép một tàu chở dầu của Algeria vào lãnh hải
Công ty dầu khí nhà nước Algeria (Sonatrach) ngày 20/7 cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển Iran hôm 19/7 đã ép một tàu chở dầu của Algeria vào lãnh hải của nước này trước khi một cuộc đối đầu kết thúc.
Hãng thông tấn nhà nước Algeria APS dẫn nguồn tin từ công ty Sonatrach cùng ngày cho hay, chiếc tàu MESDAR không chở hàng, đã bị buộc phải đi vào lãnh hải của Iran đêm 19/7 khi con tàu này đi qua Eo biển Hormuz.
Tàu chở dầu MESDAR (Ảnh tư liệu. Nguồn: AP)
Một đường dây liên lạc khẩn cấp giữa Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Algeria đã nhanh chóng được thiết lập và vụ việc đã kết thúc 1 giờ 15 phút sau đó. APS dẫn nguồn từ Sonatrach cho biết "không có rắc rối liên quan nhân sự hay vật chất được ghi nhận".
APS cho biết thêm rằng, chiếc tàu chở dầu này đang tiến tới cảng Tanura của Saudi Arabia để tiếp nhận dầu mỏ cho công ty UNIPEC của Trung Quốc thì nó bị buộc phải tiến vào lãnh hải Iran.
7h10: Hãng thông tấn Fars News công bố một đoạn video ghi lại hình ảnh tàu cao tốc và trực thăng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) tiếp cận và vây bắt tàu chở dầu Anh.
Có thể thấy lực lượng đặc biệt của IRGC được thả từ trực thăng xuống boong tàu Stena Impero, trong lúc tàu cao tốc của IRGC áp sát con tàu này.
Trực thăng, tàu cao tốc của IRGC vây bắt tàu chở dầu Anh
Trước đó, hãng thông tấn Tasnim của Iran đăng tải một đoạn video cho thấy tàu chở dầu Anh Stena Impero lúc đang ở ngoài biển.
Far News cho biết toàn bộ 23 thủy thủ trên tàu Stena Impero hiện đang có mặt ở cảng Bandar Abbas và sẽ phải ở trên tàu cho tới khi cuộc điều tra kết thúc.