Hình minh họa
Bệnh nhân N.T.G, (nữ, 68 tuổi, trú tại Long An) vào phòng khám cấp cứu vì nghi hóc xương cá. Bệnh nhân cho biết đang ăn cơm với cá thì đột ngột bị hóc trong họng, nuốt đau, nuốt khó và không tiếp tục ăn uống được.
Qua thăm khám và nội soi họng thanh quản, bác sĩ tai mũi họng đã phát hiện đây là trường hợp khá hy hữu: bệnh nhân bị lưỡi câu cá móc vào nắp thanh thiệt. Dưới nội soi, bác sĩ xác định rõ đầu lưỡi câu móc vào nắp thanh thiệt, đuôi lưỡi câu còn có một đoạn chỉ ngắn.
Bác sĩ đã cẩn thận lấy được lưỡi câu mà không làm tổn thương thêm nắp thanh thiệt. Sau thủ thuật, bệnh nhân hết đau, không dấu hiệu sưng nề, chảy máu nên được cho về nhà.
Theo bệnh nhân trên, lúc chế biến cá, bệnh nhân không làm sạch ruột và do lớn tuổi sử dụng răng giả nên việc nhai thức ăn không được kỹ nên mới xảy ra sự việc như trên.
Dị vật đường ăn thường gặp là xương cá, tuy nhiên tùy theo lứa tuổi có thể gặp nhiều dị vật khác nhau như: các mảnh đồ chơi, pin, đồng xu… ở trẻ nhỏ; hạt trái cây, răng giả… người lớn tuổi. Nguyên tắc khi xử trí là không được cố gắng nuốt thêm các thức ăn khác như nuốt cục cơm, chuối… hay các biện pháp dân gian như vuốt cổ vì không có tác dụng mà đôi khi còn làm dị vật càng đi sâu vào đường thở.
Khi nghi ngờ hóc dị vật, tốt nhất là đến bệnh viện để các bác sĩ tai mũi họng thăm khám và nội soi xử trí. Các dị vật như kim loại, xương heo, xương gà… nếu rơi vào thực quản không xử trí kịp thời có thể gây nhiễm trùng, áp xe vùng cổ thậm chí áp xe trung thất và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng tránh dị vật đường ăn, người dân cần lưu ý chế biến thức ăn cẩn thận, ăn uống từ tốn, nhai kỹ, không cười đùa trong lúc ăn, trẻ nhỏ cần được gỡ sạch xương và khi nghi ngờ hóc dị vật cần đến bệnh viện khám ngay.