Hưng Yên: "Trùm" đường dây đánh bạc 1.000 tỷ đối diện mức án nào?

Nguyễn Đạt |

Sinh năm 1992, nhưng Nguyễn Văn Toán (trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã điều hành đường dây đánh bạc qua mạng intetnet với số tiền giao dịch lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Công an tỉnh Hưng Yên vừa triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng internet có quy mô trên cả nước với số tiền giao dịch lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Đường dây đánh bạc được tổ chức ở 15 tụ điểm trên toàn quốc. 17 đối tượng có liên quan đã bị bắt giữ để điều tra. Điều hành đường dây đánh bạc này là Nguyễn Văn Toán (SN 1992, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Qua kiểm tra, khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ gồm 12 bộ máy vi tính, hơn 50 chiếc điện thoại di động, hơn 500 triệu đồng tiền mặt và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.

Theo tài liệu của CQĐT, Toán và các đối tượng cầm đầu đường dây đã vào Đà Lạt, Lâm Đồng. Tại đây các đối tượng đã thuê một căn nhà để tổ chức điều hành đường dây đánh bạc từ tháng 7/2018 đến nay.

Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giáp Văn Điệp – Giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang).

Theo ông Điệp với hành vi trên các đối tượng sẽ bị xử lý theo Điều 321 về "tội đánh bạc" và Điều 322 “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”.

Cụ thể Điều 321 quy định:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra với hành vi tổ chức đánh bạc các đối tượng sẽ bị xử lí theo Điều 322 Bộ luật Hình Sự 2015 về tội “tổ chức đánh bạc hoặc gạ bạc”.

Điều 322 quy định:

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;

c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại