Hơn 6 thập kỷ Hàn-Triều: Thượng đỉnh "hụt", hành trình gian nan và những bước ngoặt ly kỳ

Hải Võ |

Sau thỏa thuận đình chiến năm 1953, quan hệ thăng trầm giữa hai miền bán đảo Triều Tiên trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

LTS: Ngày mai 27/4, hai miền Triều Tiên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Rất nhiều thách thức và kỳ vọng được đặt trên bàn đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in.Về mặt lý thuyết, hai miền hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, chính quyền hai miền mới chỉ ký hiệp định đình chiến mà chưa thông qua hiệp ước hòa bình.Nhân dịp này, Tòa soạn xin trân trọng gửi tới Quý bạn đọc loạt bài tư liệu về chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). 

Phần 1: Chiến tranh Triều Tiên: Cuộc chiến khốc liệt qua góc nhìn Mỹ - Nga - Trung - Triều

Phần 2: Chiến tranh Triều Tiên: Những người lính Liên Xô mặc quân phục TQ và những người lính Mỹ bị lãng quên 

Phần 3:  Lễ ký Hiệp định đình chiến Triều Tiên: Căng thẳng tột độ, nghe rõ tiếng pháo vọng lại từ xa

---

Hàn-Triều trong và sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Trong giai đoạn đầu sau thỏa thuận đình chiến năm 1953 - tạm ngưng chiến sự kéo dài 3 năm trên bán đảo Triều Tiên với hơn 1 triệu người thiệt mạng, quan hệ hai miền thường ở mức hết sức căng thẳng.

Những năm sau cuộc chiến, Hàn Quốc và Triều Tiên lần lượt được các quốc gia trên thế giới công nhận rộng rãi về mặt pháp lý. Trong vài thập kỷ, mối liên hệ giữa chính phủ hai nước gần như bằng 0.

Cuối thập niên 1960, một đợt đối đầu đã leo thang dọc khu phi quân sự (DMZ) sau một vụ âm mưu ám sát tổng thống Park Chung Hee, mà phía Hàn Quốc cáo buộc do Triều Tiên đứng sau. Căng thẳng thậm chí leo thang đến gần giới hạn tái bùng phát xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, bước ngoặt địa chính trị quốc tế xảy ra khi Mỹ và Trung Quốc, các đồng minh thân cận nhất của Hàn-Triều, có cuộc bình thường hóa quan hệ ngoạn mục trong thập niên 1970, làm thay đổi căn bản cấu trúc an ninh Đông Á. Seoul và Bình Nhưỡng lập tức nhận thấy các lợi ích từ việc liên hệ với đối phương. 

Các cuộc đối thoại liên Triều, ban đầu được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Chữ thập đỏ, đã đưa tới bản Tuyên bố chung đầu tiên về vấn đề thống nhất ngày 4/7/1972, đánh dấu chuyển biến đáng kể đầu tiên  dù là ngắn ngủi trong quan hệ hai miền thời hậu chiến. 

Một loạt sự vụ khiến quan hệ lao dốc trong gần hai thập kỷ sau đó. Năm 1974, đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Yuk Young Soo thiệt mạng trong một vụ ám sát khác nhằm vào ông Park Chung Hee. Tổng thống Chun Doo Hwan cũng bị ám sát hụt trong một chuyến công du năm 1983, và chuyến bay dân dụng số hiệu 858 của hãng Korean Air bị đánh bom năm 1987 - hai sự cố bị Seoul cho là do các điệp viên Triều Tiên gây ra.

Một số tiến triển đáng chú ý vẫn xuất hiện ở giai đoạn này, nhưng các cuộc tiếp cận và đối thoại không bền vững. Năm 1985, một nhóm nhỏ các gia đình ly tán trong chiến tranh đã được cho phép đoàn tụ ngắn ở Seoul và Bình Nhưỡng.

Chương trình đối thoại then chốt được tái khởi động bởi tổng thống Hàn Quốc đầu tiên được bầu cử dân chủ, ông Roh Tae Woo - nhiệm kỳ 1988-1993. Chính sách với phương Bắc của ông Roh dẫn dắt Seoul tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các đồng minh cốt lõi của Bình Nhưỡng: Liên Xô và Trung Quốc.

Hơn 6 thập kỷ Hàn-Triều: Thượng đỉnh hụt, hành trình gian nan và những bước ngoặt ly kỳ - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo (trái) gặp tổng thống Liên Xô Mikhail S. Gorbachev năm 1990 (Ảnh: koreaherald)

Theo chính sách này, chính quyền Roh Tae Woo cũng "chìa cành ô liu" về đối ngoại với Triều Tiên khi lần đầu tiên mở cửa cho trao đổi thương mai liên Triều trực tiếp vào năm 1989, và tổ chức các sự kiện giao hữu thể thao.

Tháng 12/1991, Triều Tiên và Hàn Quốc một lần nữa tiến gần đến ý tưởng hòa giải khi kí được Thỏa thuận Căn bản, và không lâu sau song phương ra Tuyên bố chung về Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên - cam kết không sở hữu, chế tạo hay sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời cấm hoạt động làm giàu uranium và tái chế plutonium. 

Bất ổn trở lại trên bán đảo dưới thời tổng thống Kim Young Sam, người kế nhiệm ông Roh trong nhiệm kỳ 1993-1998. Đầu tiên ông Kim theo đuổi lập trường cứng rắn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhưng sau đó thay đổi chính sách và lên kế hoạch gặp thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành - động thái được kỳ vọng là tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền thời hậu chiến. 

Nhưng sự kiện không thành bởi ông Kim Nhật Thành qua đời chỉ vài tuần trước hội nghị. Bình Nhưỡng nổi giận khi Seoul không gửi điện chia buồn và đáp trả bằng cách đình chỉ đối thoại liên Triều. Quan hệ song phương tiếp tục thăng trầm trong vài năm sau đó với nhiều xích mích về viện trợ lương thực, các vụ tàu ngầm Triều Tiên bị Hàn Quốc tố xâm nhập lãnh hải, hay biến động trong ngoại giao khu vực.

Chính sách Ánh Dương: Bước ngoặt cho quan hệ hai miền

Tổng thống Kim Dae Jung, một nhà hoạt động dân chủ của Hàn Quốc, lên nắm quyền năm 1998 và khởi xướng Chính sách Ánh Dương nhằm thúc đẩy hòa giải với Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu cho phép các tổ chức phi chính phủ của nước này, các doanh nghiệp và công dân được liên hệ với Triều Tiên thông qua khu DMZ, và đẩy mạnh viện trợ lương thực, phân bón cho miền Bắc. Năm 1998, một nhánh của tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đưa vào khai thác các tour du lịch đến núi Geumgang ở Triều Tiên.

Sự kiện được đánh giá là bước ngoặt lịch sử diễn ra vào tháng 6/2000. Tổng thống Kim Dae Jung thực hiện chuyến công du Bình Nhưỡng để gặp mặt lãnh đạo Kim Jong Il - lần đầu tiên kể từ thỏa thuận đình chiến năm 1953 và sự kiện "thượng đỉnh hụt" năm 1994. Cuộc gặp "song Kim" đưa tới chuyển biến ngoạn mục trong thái độ của dư luận Hàn Quốc với Triều Tiên, cũng như trong chính sách của Seoul.

Sau cuộc thượng đỉnh này, hai miền nhất trí tổ chức các cuộc đoàn viên cho những gia đình bị chia tách, và quyết định xây dựng Khu phức hợp công nghiệp liên Triều ở Keasong, nằm gần DMZ.

Chính sách Ánh Dương là tiền đề để giới chức Hàn Quốc tách biệt vấn đề viện trợ/hợp tác kinh tế khỏi các bất đồng chính trị. Chính quyền Kim Dae Jung tiếp tục thúc đẩy tiếp xúc liên Triều ngay cả khi hai nước rơi vào vụ đối đầu trên biển gần Đường giới hạn phương Bắc (NLL) vào các năm 1999 và 2002, hay khi Thỏa thuận khung Mỹ-Triều về chương trình hạt nhân Triều Tiên đổ vỡ vào cuối năm 2002.

Hơn 6 thập kỷ Hàn-Triều: Thượng đỉnh hụt, hành trình gian nan và những bước ngoặt ly kỳ - Ảnh 2.

"Cái ôm lịch sử" Kim Dae Jung - Kim Jong Il năm 2000 tại Bình Nhưỡng (Ảnh: koreaherald)

Kế nhiệm ông Kim Dae Jung năm 2003, tổng thống Roh Moo Hyun kế thừa và đẩy mạnh các nỗ lực hòa giải với Triều Tiên bằng "Chính sách Hòa bình và Thịnh vượng". Chính sách này giúp trao đổi/viện trợ song phương tăng trưởng, đầu tư của chính phủ Hàn vào khu công nghiệp Kaesong cũng tăng đáng kể. 

Tuy nhiên, khủng hoảng hạt nhân bán đảo leo thang một lần nữa làm chao đảo chính sách của chính quyền Roh Moo Hyun. Vào cuối năm đầu nhiệm kỳ của ông Roh, vòng Đàm phán 6 bên đầu tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân Triều Tiên được tổ chức ở Bắc Kinh. Nhưng khi Bình Nhưỡng tổ chức cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào tháng 10/2006, Hàn Quốc lập tức giảm viện trợ và đình chỉ vận chuyển phân bón, lương thực sang Triều Tiên, nhưng vẫn duy trì đầu tư ở Kaesong.

Khi Đàm phán 6 bên đạt tiến triển, ông Roh Moo Hyun đã tới Bình Nhưỡng và có cuộc gặp quan trọng với ông Kim Jong Il tháng 10/2007. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai vạch ra nhiều dự án phát triển kinh tế mới giữa hai bên, như thiết lập Trung tâm kinh tế Tây Hải ở thành phố cảng Haeju của Triều Tiên. Nhưng chính quyền kế nhiệm của Hàn Quốc không thực hiện những kế hoạch nhiều tham vọng trong thỏa thuận Thượng đỉnh trên, đánh dấu một thập kỷ quan hệ hai miền tồi tệ trở lại.

Hơn 6 thập kỷ Hàn-Triều: Thượng đỉnh hụt, hành trình gian nan và những bước ngoặt ly kỳ - Ảnh 3.

Ông Kim Jong Il (phải) đón tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun tại Bình Nhưỡng năm 2007 (Ảnh: Tributes)

Quan hệ lên xuống bất ổn

Tổng thống Lee Myung Bak, nhậm chức ngày 25/2/2008, đánh dấu một bước ngoặt nữa trong quan hệ liên Triều nhưng theo chiều hướng tiêu cực.

Trước khi nhậm chức, ông Lee nói sẽ theo đuổi chính sách thực dụng với Triều Tiên. "Sáng kiến về Phi hạt nhân hóa và Mở cửa Triều Tiên" của ông hứa hẹn nâng thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên lên 3000 USD/năm trong vòng 10 năm, nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Chính sách này gắn chặt các liên hệ hai miền (như viện trợ/hợp tác kinh tế) với phi hạt nhân hóa hơn so với chính sách Ánh Dương.

Sau khi nắm quyền, chính quyền của ông Lee đã cắt giảm lớn viện trợ cho Triều Tiên. Sau khi xảy ra vụ du khách Hàn Quốc bị bắn ở khu vực hạn chế tại núi Geumgang, Triều Tiên, tháng 7/2008, ông Lee ra lệnh đình chỉ tuyến du lịch này cho đến khi một cuộc điều tra chung được tổ chức. Triều Tiên thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này.

Quan hệ hai miền diễn biến tệ hơn vào đầu năm 2009, với việc Triều Tiên tuyên bố toàn bộ thỏa thuận liên Triều trong quá khứ là "vô hiệu", còn Seoul chỉ trích gay gát các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng. Dù vậy, khu công nghiệp Kaesong vẫn không bị đóng cửa, đây được coi là cầu nối để "giữ cánh cửa đối thoại hé mở".

Tháng 8/2009, Bình Nhưỡng cử đoàn đại biểu cấp cao dự tang lễ ông Kim Dae Jung. Đoàn có cuộc tiếp xúc tổng thống Lee Myung Bak và đạt một số cải thiện quan hệ nhỏ. Nhưng sự hòa dịu này cũng hết sức ngắn ngủi. Chỉ 3 tháng sau, hải quân hai nước đối đầu nhau ở NLL - lần đầu sau 7 năm.

Tháng 3/2010, chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị chìm sau một vụ nổ, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Một báo cáo điều tra quốc tế nhận định có nhiều dấu hiệu chiếc tàu đã trúng ngư lôi từ tàu ngầm Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ quyết liệt. Trong khi Trung Quốc không tỏ thái độ về sự việc, tổng thống Lee yêu cầu Triều Tiên xin lỗi, tiếp đó Hàn Quốc áp đặt một số lệnh cấm vận đơn phương với Triều Tiên vào tháng 5/2010 - đặc biệt bao gồm đình chỉ toàn bộ trao đổi thương mại hai nước ở bên ngoài khuôn khổ khu công nghiệp Kaesong.

Tháng 11/2010, Hàn Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật gần NLL, còn Triều Tiên bắn khoảng 170 phát đạn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Seoul tiếp tục đòi Bình Nhưỡng xin lỗi về vụ việc, và đáp lại tiếp tục là cái lắc đầu.

Đến cuối nhiệm kỳ của ông Lee, khi Seoul chỉ trích Bình Nhưỡng phóng vệ tinh bằng công nghệ tên lửa đạn đạo tháng 4/2012, Triều Tiên đã phát động một chiến dịch công kích mạnh chống lại cá nhân tổng thống, và tỏ thái độ không còn hy vọng đối thoại với chính quyền ông Lee nữa.

Hơn 6 thập kỷ Hàn-Triều: Thượng đỉnh hụt, hành trình gian nan và những bước ngoặt ly kỳ - Ảnh 4.

Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên dự tang lễ cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung năm 2009 (Ảnh: Yonhap)

Bà Park Geun Hye với sách lược lòng tin

Bà Park Geun Hye, con gái ông Park Chung Hee, đắc cử ngày 19/12/2012, cam kết cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Chương trình nghị sự của bà bao gồm xây dựng lòng tin song phương bằng cách tái khởi động đối thoại, nhưng vẫn phản ứng mạnh mẽ trước những động thái bị cho là thách thức.

Bà Park vạch ra sách lược lòng tin, với yêu cầu Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế, nhằm tạo dựng "lòng tin tối thiểu". 

Nữ tổng thống nhậm chức trong bối cảnh căng thẳng bán đảo tăng cao. Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần ba vào tháng 2/2013 và phản ứng gay gắt khi Mỹ-Hàn tập trận chung vào tháng 4. Chỉ trong vài tuần, Bình Nhưỡng tuyên bố Thỏa thuận đình chiến 1953 "hoàn toàn vô hiệu", đồng thời tuyên bố "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc, trong khi các máy bay ném bom Mỹ biểu dương lực lượng trên bầu trời bán đảo. Triều Tiên rút 53.000 công nhân khỏi khu Kaesong, và Seoul cũng đáp trả bằng cách rút nhân viên của mình.

Trong vài tháng sau đó, tình hình lại ấm lên khi hai nước dần trở lại đối thoại, nỗ lực để tái khởi động khu công nghiệp Kaesong và giải quyết các vấn đề khác như đoàn tụ hai miền hay mở cửa lại khu nghỉ dưỡng núi Geumgang. Hai phía đạt thỏa thuận đột phá vào tháng 8/2013, nhất trí một số giải pháp ngăn gián đoạn hoạt động của Kaesong trong tương lai và phát triển hơn nữa khu công nghiệp chung này - như cấm các bên đơn phương rút công nhân, khôi phục trao đổi thông tin và lập ủy ban hai miền để giám sát hoạt động ở Keasong.

Tiếp nối thỏa thuận trên, các cuộc thảo luận về hợp tác liên Triều cũng diễn ra rải rác. Hai bên dự kiến tổ chức cuộc đoàn tụ thân nhân hai miền ở núi Geumgang vào tháng 9/2013, nhưng Bình Nhưỡng rút khỏi kế hoạch không lâu trước ngày tiến hành, và phải đến tháng 2/2014 hoạt động mới được tổ chức.

Trao đổi liên Triều về mở lại khu nghỉ dưỡng Geumgang cũng bất thành. Các bước đầu thực thi thỏa thuận về Keasong cũng không đạt tiến triển. Hàn Quốc nỗ lực khởi xướng các nhân tố mới trong chính sách Lòng tin của mình bằng việc gia tăng tài trợ các cơ quan Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ (NGO) tiến hành các hoạt động nhân đạo ở Triều Tiên, ngoài ra còn cử đội ngũ chuyên gia đến phía Bắc khu DMZ để tham gia các dự án chung về khảo cổ và bảo vệ môi trường.

Các nỗ lực gắn kết cho thấy hiệu quả khi tháng 11/2014, ba quan chức cấp cao Triều Tiên - do nhân vật quyền lực số 2 đất nước vào thời điểm đó, ông Hwang Pyong So dẫn đầu - thăm Hàn Quốc và dự lễ bế mạc Asian Games ở Incheon - sự kiện có các vận động viên Triều Tiên tham gia. Dù vậy, chuyến thăm không tạo được nền tảng cho bất kỳ đối thoại cấp cao tiếp theo nào.

Hơn 6 thập kỷ Hàn-Triều: Thượng đỉnh hụt, hành trình gian nan và những bước ngoặt ly kỳ - Ảnh 5.

Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên do ba nhân vật quyền lực - Hwang Pyong So, Choe Ryong Hae và Kim Yang Gon dẫn đầu - dự lễ bế mạc Asian Games ở Hàn Quốc năm 2014 (Ảnh: Yonhap)

Bắt đầu từ năm 2014, chính sách Lòng tin được bà Park Geun Hye thực thi theo một hướng khác, nhấn mạnh thống nhất hai miền là trọng tâm trong chính sách liên Triều của bà. Truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ trích lập trường của bà là mưu đồ thúc đẩy làm Triều Tiên sụp đổ và tiến tới thống nhất hai miền bằng cách sáp nhập.

Tháng 8/2015, hai binh sĩ Hàn Quốc tuần tra ở DMZ bị thương nặng do mìn ở gần vị trí canh gác của họ. Điều tra của LHQ kết luận số mìn do các binh sĩ Triều Tiên đặt, còn Bình Nhưỡng phủ nhận và chỉ trích cáo buộ. Chính quyền bà Park nhanh chóng phản ứng bằng cách khởi động lại hệ thống loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên ở dọc biên giới - hoạt động được hai bên nhất trí ngừng lại từ năm 2004. Bình Nhưỡng đáp trả bằng 4 quả đạn pháo bắn sát biên giới, và Seoul lại trả đòn bằng loạt pháo tương tự. 

Các cuộc đối thoại cấp cao sau đó đã đi đến thỏa hiệp: Triều Tiên bày tỏ thương tiếc với những thương vong của đối phương, còn Hàn Quốc dừng phát loa phóng thanh về phía Bắc "trừ khi có sự cố bất thường xảy ra". Hai nước đồng ý thu xếp các cuộc đoàn tụ mới, diễn ra vào tháng 10/2015.

Nhưng chỉ 4 tháng sau đó, tổng thống Park Geun Hye đã ban hành lệnh đóng cửa khẩn cấp khu công nghiệp Kaesong nhằm phản ứng trước vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên ngày 6/1/2016. Phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, bà Park lập luận rằng sự an toàn của công nhân nước này ở Kaesong đang bị đe dọa. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn thông báo kế hoạch siết cấm vận với Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Ủy ban thống nhất hòa bình của Triều Tiên tuyên bố đặt khu Kaesong dưới sự kiểm soát quân sự và đóng băng các tài sản của người Hàn, đồng thời hủy bỏ liên lạc quân sự song phương.

Sự xoay chuyển chính sách của Seoul kéo theo biến động về sách lược an ninh, ngoại giao với Triều Tiên. Sau khi Hội đồng bảo LHQ áp cấm vận với vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng, bà Park thực hiện một loạt chuyến công du tới các nước có liên hệ quân sự với Triều Tiên như Iran, Uganda, và Ethiopia để thuyết phục nhóm này phối hợp với lệnh cấm vận.

Tháng 7/2016, động thái gây xáo trộn khu vực xảy ra khi Mỹ và Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, vài tháng sau khi Seoul ký thỏa thuận chia sẻ tình báo quân sự với Nhật.

Một lần nữa, bước ngoặt chính sách xuất hiện tại Hàn Quốc do tổng thống Park bị luận tội và phế truất vào tháng 12/2016 do bê bối cho phép bạn thân Choi Soon Sil thao túng chính quyền - bao gồm chính sách về Triều Tiên.  

Đương kim tổng thống Moon Jae In, đắc cử tháng 5/2017, tiếp nối trở lại chính sách tiếp cận thiện chí với Bình Nhưỡng, bất chấp các vụ thử tên lửa lẫn hạt nhân của Triều Tiên diễn ra dồn dập trong năm này, thậm chí xung đột vụ trang giữa Mỹ-Triều Tiên tưởng như đã tới rất gần khi lãnh đạo Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên đe dọa "nã" tên lửa hạt nhân vào nhau. Chính quyền ông Moon, bằng nhiều biện pháp, đã trì hoãn lộ trình bố trí THAAD để xoa dịu Trung Quốc lẫn Triều Tiên.

Vào ngày đầu tiên của năm 2018, ông Kim Jong Un bất ngờ tuyên bố sẵn sàng cử đoàn đại biểu dự Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang - mở ra cuộc chuyển biến ly kỳ trên bán đảo. Quan hệ hai miền ấm lại một cách nhanh chóng, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba được ấn định diễn ra vào ngày mai, 27/4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đặc biệt, có khả năng ông Kim và ông Moon sẽ đạt thỏa thuận về hiệp ước hòa bình để kết thúc chiến tranh trên bán đảo. Hội nghị ngày mai còn là tiền đề quan trọng để hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên - được kỳ vọng là tiến tới giải pháp loại bỏ hoàn toàn nguy cơ hạt nhân trên bán đảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại