Thượng đỉnh liên Triều: Nếu từ bỏ hạt nhân, điều gì sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Một trong những đảm bảo có thể là bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ. Mỹ sẽ mở Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng và Triều Tiên sẽ mở Đại sứ quán tại Washington.

Sau những lời đe dọa sẽ tấn công nước Mỹ bằng tên lửa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước ông sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trước đó, Triều Tiên cũng đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Dư luận quốc tế đều hoan nghênh tuyên bố này của ông Kim Jong-un.

Người anh em Hàn Quốc đã nhiệt liệt hưởng ứng, coi đây là một bước quan trọng tiến tới phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên trang Twitter của mình coi quyết định này là một tin vui cho toàn thế giới và đề nghị Moskva, Washington và Seoul có các bước tiếp theo nhằm hạn chế các hoạt động quân sự ở khu vực.

Nga và Trung Quốc kêu gọi ngừng các hoạt động quân ở khu vực Đông Bắc Á xung quanh bán đảo Triều Tiên. Riêng Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản tỏ ra dè dặt hơn và cho rằng cần phải chờ đợi xem việc thực hiện cam kết này đến đâu.

Thượng đỉnh liên Triều: Nếu từ bỏ hạt nhân, điều gì sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên? - Ảnh 1.

Bà Kim Jo Yong gặp mặt tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: KCNA/Reuters

Động cơ nào thúc đẩy Triều Tiên chuyển thái độ từ cứng rắn sang mềm dẻo?

Gần đây, Triều Tiên đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, ngày 3/9/2017 Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch gây chấn động toàn cầu.

Bom nhiệt hạch hay còn gọi là bom khinh khí, bom Hydrogen, có sức công phá cực kỳ lớn và là loại vũ khí sát thương khủng khiếp nhất do con người tạo ra từ trước tới nay.

Ngày 28/11/2017, Triều Tiên tuyên bố đã trở thành quốc gia hạt nhân sau khi thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) có khả năng bắn tới bất cứ nơi nào trên đất Mỹ.

Có thể nói, Triều Tiên đang ở vào vị trí ngang hàng với Ấn Độ và Pakistan trong lĩnh vực hạt nhân. Ấn Độ và Pakistan sau khi tiến hành 6 vụ thử hạt nhân thì hoàn thiện được công nghệ của mình.

Triều Tiên cũng đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử để đạt được trình độ hiện nay và không cần phải thử thêm nữa. Đến nay, Triều Tiên đã tự chủ được trong công nghệ hạt nhân và có thể sử dụng công nghệ này vào các mục đích quân sự, kinh tế, khoa học...

Nhiều người cho rằng đây là những nhượng bộ lớn của phía Triều Tiên, nhưng tôi cho rằng không hoàn toàn như vậy, bởi vì trên thực tế Triều Tiên đã ngừng thử hạt nhân từ 6 tháng nay rồi và không cần phải tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nào nữa.

Triều Tiên tuyên bố như vậy là để tỏ thái độ mềm mỏng, thiện chí, đồng thời muốn làm yên lòng Mỹ và những người anh em miền Nam với mục tiêu lớn hơn là tổ chức được Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Kim Jong-un - Donald Trump.

Còn nhượng bộ những gì thì chỉ có qua các cuộc gặp thượng đỉnh và đàm phán cụ thể mới biết được. Để đạt được kết quả thì đòi hỏi tất cả các bên đều phải nhân nhượng chứ không chỉ Triều Tiên.

Triều Tiên sẽ có con bài gì trong đàm phán?

Con bài lớn nhất vẫn là khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Hiện nay trong kho vũ khí của mình, Triều Tiên vẫn có các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đủ để đe dọa an ninh nước Mỹ. Hơn nữa, Triều Tiên có thể quay trở lại sản xuất vũ khí hạt nhân và chế tạo các loại vũ khí mới bất cứ lúc nào khi họ muốn nếu các cuộc đàm phán với Mỹ và phương Tây thất bại.

Mặt khác, Triều Tiên chắc chắn sẽ đưa ra một loạt đòi hỏi, trước tiên là đòi hỏi được đảm bảo về an ninh. Mỹ và phương Tây phải từ bỏ các âm mưu lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.

Tiếp theo là các yêu cầu dỡ bỏ cấm vận, giúp Triều Tiên xây dựng kinh tế, bình thường hoá quan hệ với Triều Tiên và ký Hiệp ước hoà bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh thay cho Hiệp định Đình chiến kéo dài từ năm 1953 đến nay.

Mục đích các cuộc gặp thượng đỉnh lần này có lẽ chỉ tập trung vào các biện pháp làm giảm căng thẳng, chưa thể đi thẳng vào các vấn đề lớn như rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, dỡ bỏ cấm vận.

Bất cứ một bước giảm căng thẳng nào cũng sẽ có lợi cho tất cả các bên chứ không chỉ cho Triều Tiên mà cho cả Hàn Quốc và Mỹ.

Những vấn đề lớn sẽ phải được nêu ra trên bàn đàm phán cụ thể sau các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Khi các bên chưa ngồi vào bàn đàm phán thì chưa thể nói được gì.

Một số nhà quan sát và phân tích chính trị cho rằng, những tuyên bố trên của Triều Tiên chủ yếu mang tính chất tuyên truyền chứ chưa thực sự mong muốn giải quyết vấn đề.

Tôi cho đây là bước đi nghiêm túc của Triều Tiên. Triều Tiên rất mong muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh, bình thường hoá quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, thoát ra khỏi tình trạng bị cấm vận để tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Mặt khác, ông Kim Jong-un quyết tâm làm một việc mà ông nội và cha ông chưa làm được, đó là thống nhất hai miền Nam Bắc Triều Tiên và bình thường hoá quan hệ với tất cả các nước lớn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tham dự buổi biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc

Điều gì đảm bảo an ninh cho Triều Tiên?

Đảm bảo thứ nhất là Hiệp ước Hoà bình chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài từ năm 1953 đến nay.

Thứ hai là bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ. Mỹ sẽ mở Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng và Triều Tiên sẽ mở Đại sứ quán tại Washington.

Có nhiều cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện các cam kết của các bên như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).... Ngoài ra, Nga và Trung Quốc là đồng minh của Triều Tiên có thể đóng góp tích cực vào việc thực hiện các thỏa thuận đạt được.

Nhật Bản lo ngại vì Triều Tiên tuyên bố chỉ ngừng thử tên lửa đạn đạo, còn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung vẫn có thể bắn tới Nhật. Tuy nhiên, theo tôi một Hiệp ước hoà bình chấm dứt tình trạng chiến tranh sẽ đáp ứng được các yêu cầu an ninh của Nhật Bản.

Thượng đỉnh liên Triều: Nếu từ bỏ hạt nhân, điều gì sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên? - Ảnh 4.

Cuộc tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh chống Syria hôm 14/4 vừa qua, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump đòi hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) ký với Iran chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên các cuộc đàm phán sắp tới về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên.

Người Triều Tiên hoàn toàn có thể lo ngại về việc Mỹ có thể thay đổi các cam kết bất cứ lúc nào.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều Tiên sắp tới là bước đi đầu tiên tích cực, mở ra triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.

Triều Tiên không dễ gì từ bỏ vũ khí hạt nhân một khi an ninh của họ không được đảm bảo chắc chắn. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ hết sức khó khăn, cần có quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo và thiện chí của tất cả các bên liên quan.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại