Sáng 13-7, Bệnh viện Quân Y 175 TP HCM cho hay vừa tán nhuyễn gắp ra thành công dị vật hóa đá bít lỗ mũi một trường hợp suốt hơn 30 năm.
Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị T. (69 tuổi, quê Nam Định), thường xuyên bị nghẹt mũi, chảy dịch mũi hôi hơn 30 năm dù đã nhiều lần điều trị ngoại trú tại địa phương nhưng các triệu chứng không giảm.
Gần đây, tình trạng bệnh nặng dần, bệnh nhân nghẹt mũi, chảy dịch mũi đục, hôi kèm đau nhức vùng mũi, chảy máu mũi thường xuyên và nhập viện Bệnh viện Quân Y 175. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện ở hốc mũi có khối u sỏi cứng chắc kích thước lớn 3 x4 cm, tăng quang, gây bít tắc hoàn toàn khe giữa, viêm dày niêm mạc toàn bộ các xoang vùng hốc mũi.
Sỏi mũi của bệnh nhân phải tán nát ra rồi mới lấy ra được ở đường miệng
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi xoang mũi lấy sỏi mũi và mở rộng đường dẫn lưu các xoang. Do sỏi quá lớn nên không thể lấy hoàn toàn lấy qua cửa mũi trước nên phải tán thành nhiều mảnh và lấy qua đường miệng. Bệnh nhân sau đó hết đau đầu, không còn chảy nước mũi, sức khỏe đã ổn định.
Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Phong, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Quân Y 175, trong các bệnh lý viêm mạn tính, sỏi là một bệnh lý khá phổ biến. Được nghe nói nhiều về sỏi thận, sỏi mật, sỏi tụy…, tuy nhiên những bệnh lý về sỏi Amidan, sỏi mũi hay sỏi tuyến nước bọt ít được đề cập hơn.
Quá trình hình thành sỏi là do mủ, dị vật và các chất canxi lắng đọng trong hốc mũi, Amidan hoặc ống tuyến nước bọt hình thành. Sự hình thành và phát triển của sỏi trong mũi ban đầu có thể không triệu chứng và dẫn đến tắc nghẽn mũi mãn tính sau một thời gian dài tiến triển thầm lặng.
Sỏi mũi kích thước lớn như trong trường hợp này rất hiếm gặp do bệnh nhân không được điều trị tại cơ sở chuyên khoa.