1. Hẳn chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV Park Hang-seo phải lên tận Gia Lai để đích thân cảm ơn bầu Đức. Đấy là một hành động đẹp, rất đẹp từ nhà cầm quân người Hàn Quốc. HAGL không phải là CLB đóng góp nhiều tuyển thủ nhất cho U23 Việt Nam trong chiến công kỳ vĩ này, nhưng cách làm bóng đá của ông bầu quê Bình Định này khiến người ta phải nể phục.
Nên nhớ, chiếc HCB U23 châu Á lần này mới là danh hiệu chính thức đầu tiên mà lứa cầu thủ HAGL với những Công Phượng, Xuân Trường... được sở hữu. Thậm chí Tuấn Anh, Minh Vương còn chưa có được bất cứ danh hiệu chính thức nào cho mình. Nhưng trên tất cả, ngoài thứ bóng đá mê hoặc lòng người, họ còn nhận được sự hâm mộ đến từ một lối sống tình cảm, tử tế.
Bầu Đức đã không ít lần nhắc lại rằng với ông, đá hay, đá đẹp là điều lứa cầu thủ này của HAGL luôn hướng tới, nhưng cao hơn nữa, đó là đạo đức, là cho người hâm mộ phải nể phục những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường bởi nhân cách tốt đẹp, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời, xua đi cái quan niệm "mất dạy" khi nhắc đến cầu thủ bóng đá.
Với bầu Đức, làm bóng đá còn là "trồng người".
Trong ngày vui vinh danh, bầu Đức không xuất hiện, dù người ta nhắc nhiều đến ông. Và khi ngày vui qua nhanh, HLV Park Hang-seo lên tận phố Núi cảm ơn bầu Đức. Nó không chỉ là lời cảm ơn đơn thuần của những người góp công và biến công lao ấy thành chiến tích kỳ vĩ, nó là tấm gương sáng cho những cầu thủ mới đôi mươi, bài học về sự biết ơn, về tình người.
Những cầu thủ HAGL sẽ nhìn vào tấm gương ấy, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... sẽ nhìn vào tấm gương ấy để biết sẽ phải làm gì để đền đáp bầu Đức, người hơn mười năm qua vẫn cặm cụi với giấc mơ bóng đá Việt Nam mạnh mẽ hơn, tử tế hơn, sạch sẽ hơn, để "tụi nhỏ" có ngày được mở mày mở mặt, đem vinh quang về cho Tổ quốc.
2. Ngay sau trận chung kết U23 châu Á, một cựu phóng viên thể thao đã viết một status trên trang Facebook của mình: "Với những gì chứng kiến qua giờ, tôi tin chắc 1/2 trong số cầu thủ U23 Việt Nam hôm nay sẽ sa ngã hoặc trượt dốc, không sớm thì muộn.
Bản năng con người là thứ rất mạnh, nó nằm sâu trong tiềm thức và chi phối toàn bộ hành vi. Lý trí mà bạn có được, rèn giũa được chẳng qua là sự khống chế bản năng ở mức độ nào đó thôi. Thể thao là môi trường rất đặc biệt, nơi người giỏi nhất là người phô bày năng khiếu (tức thứ thuộc về bản năng) tốt nhất nhưng đòi hỏi kỷ luật, sự tự giác ghê gớm để duy trì bản năng không bị lệch khỏi quỹ đạo chuyên môn.
Những cầu thủ tốt sẽ rất tốt, ví dụ Xuân Trường hay Tuấn Anh (giải này không đá) còn nhiều người khác tôi không dám chắc".
Nhận định này có phần khắc nghiệt, thậm chí là được cho là "ác khẩu" ngay sau thành công của các em, các cháu. Xin được nhắc lại, nó được viết trước khi "bảng báo giá đình đám" được công bố.
"Cái mùi" từ những động tác "thả thính", "tạo phốt" từ tài khoản mạng xã hội đã sặc sụa ngay trong những ngày U23 Việt Nam đang căng mình thi đấu đã hé lộ phần nào "bàn tay" đứng sau các cầu thủ trẻ.
"Người ta" viết rằng "Trước trận đấu, giá trị và thu nhập của các cầu thủ đó rất hẻo: có cầu thủ trước trận đấu vẫn rao bán son". Ai rao bán son? Hồng Duy. Hồng Duy rao bán son hộ bạn gái, được "lái" rất khéo thành cầu thủ HAGL này "thu nhập hẻo" đến mức độ ngay trước trận đấu quan trọng của đội tuyển, vẫn phải cặm cụi kiếm tiền "bằng tay trái" để trang trải cuộc sống.
Liệu một ông bầu dù đến tận nhà để trao khoản thưởng đã hứa trước đó có quên được "gà cưng" của mình từng đàm phán qua mặt để "đánh quả lẻ"? Khó đấy.
Câu chuyện của nền bóng đá Việt ngày hôm nay không chỉ đơn thuần là câu chuyện về tiền, hay sự chuyên nghiệp trong việc quản lý hình ảnh cầu thủ như ai đó rêu rao. Đằng sau nó là câu chuyện về đạo đức, về sự tử tế.
Không phải những thủ đoạn truyền thông, mà sự tập trung chuyên môn mới là điều Raiola truyền đạt cho Ibrahimovic để có một sự nghiệp huy hoàng.
Gần 17 năm về trước, Zlatan Ibrahimovic từng nhờ Mino Raiola làm người đại diện cho mình, một trong những câu hỏi đầu tiên mà người đại diện quyền lực nhất nhì thế giới hiện tại hỏi tiền đạo lừng danh này là: "Mày muốn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, hay chỉ muốn kiếm nhiều tiền?".
Và khi Ibrahimovic chọn "trở thành số 1", câu nói tiếp theo là điều mà không nhiều người đại diện dám nói với thân chủ của mình: "Okie. Lựa chọn tốt đấy. Vì khi đã là số 1 thì tiền sẽ tự nhiên chảy về túi mày như nước thôi. Còn nếu mày chỉ cần tiền thì sự nghiệp của mày coi như vứt đi. Hiểu không?".
Và ngày ấy, cái ngày mà Ibrahimovic còn chưa bằng tuổi một số cầu thủ U23 hôm nay, yêu cầu đầu tiên mà Mino Raiola đặt ra để làm người đại diện cho tiền đạo người Thụy Điển là: "Bán mấy con xe rác rưởi của mày đi. Bán luôn cái đồng hồ vàng chóe của mày và tập gấp ba vào cho tao".
Giá như bây giờ, có ai đấy nói với họ điều tương tự nhỉ?
Đào tạo trẻ chưa bao giờ là điều đơn giản.
3. Tương tự như HLV Park Hang-seo "lên núi" cảm ơn bầu Đức, sau lễ mừng công tại Hà Nội, Công Phượng lặng lẽ trở về Đô Lương, lặng lẽ đến thăm người thầy cũ 14 năm trước từng nhường suất cơm trưa cho cậu. Những ngày sau đó, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam cũng hành động giống Phượng.
Công Phượng là một trong những cái tên đình đám nhất của bóng đá Việt Nam. Mạng xã hội cùng những hoạt động quảng cáo của Công Phượng kiếm được ra tiền, và ở HAGL, CLB đã ngồi lại cùng Công Phượng để thỏa thuận, chia sẻ những khoản thu nhập ấy, khiến tất cả đều vui.
Hai hôm trước, có ý kiến cho rằng thay vì chia tất cả tiền thưởng cho các cầu thủ, thì chỉ chia một phần, phần còn lại sẽ chia về cho CLB chủ quản để đầu tư cho việc phát triển bóng đá trẻ. Đề xuất này là bất khả thi, tuy nhiên nó gợi ra hai điều nên được để tâm với các cầu thủ trẻ:
Thứ nhất, chẳng có cầu thủ nào chuyên môn tốt, đá bóng giỏi mà lại nghèo cả. Rõ ràng, những khoản thưởng tiền tỷ của U23 Việt Nam là cả một gia tài với không ít người, và mức lương mà các CLB trả cho các cầu thủ nếu so với mặt bằng chung của xã hội là không hề thấp, thậm chí là cao.
Những khoảnh khắc xúc động của sao U23 khi trở về Việt Nam
Thứ hai, đào tạo trẻ trong bóng đá, nghe thì đơn giản nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Chẳng phải đội bóng nào cũng có một chiến lược đào tạo xuyên suốt về cả chuyên môn lẫn đạo đức như HAGL, cũng như tạo được môi trường va chạm và không khí gia đình cho các cầu thủ trẻ như CLB Hà Nội...
Trong bữa cơm muộn tối thứ Sáu vừa qua giữa HLV Park Hang-seo và bầu Đức, hẳn câu chuyện giữa hai người đàn ông này đầy ắp khát khao, ước mong cho bóng đá Việt Nam phát triển, với những toan tính cho ASIAD, cho AFF Cup, cho Olympic...
Thành công của U23 Việt Nam mới chỉ là sự khởi đầu cho một ngày mới của bóng đá Việt Nam, và bên cạnh sự tử tế, tâm huyết của những người hết lòng vì một nền bóng đá sạch sẽ, ngay ngắn, vẫn còn đó những trở lực nhuốm mùi tiền đến từ chính những người tưởng chừng đang sát cánh cùng các cầu thủ trẻ.
Nên nhớ, rất nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam đã phải trả giá cho sai lầm của mình vì hoa mắt trước đồng tiền, mà cái giá ấy không hề rẻ, là sự nghiệp, là danh tiếng, thậm chí là tự do của chính mình. Giữ mình trên đỉnh vinh quang, giữa bốn bề cám dỗ chưa bao giờ là dễ dàng đâu, những người hùng U23 Việt Nam ạ!