Đái ra mủ vì sỏi thận
PGS Đỗ Gia Tuyển – Trưởng Khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đ, 52 tuổi, trú tại Nam Định đến bệnh viện cấp cứu với biểu hiện sốt, đau quặn ở lưng, đau khi vận động. Đặc biệt ông đi tiểu có mủ.
Ông Đ đi kiểm tra ở bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ nghi ngờ viêm cầu thận nên ông lên tuyến trên kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán ông bị sỏi thận, gây viêm ứ mủ ở thận.
Ông Đ cho biết từ trước tới nay ông chưa bị đau như thế này nên khi bác sĩ chẩn đoán do sỏi thận, ông khá bất ngờ.
Hay anh Vũ Cao L. 26 tuổi trú tại Đắk Lắc cũng bị đau quặn ở lưng, đi tiểu có máu. Anh đi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bị sỏi thận và phải ra Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội tán sỏi thận ngoài da. Anh L. tâm sự, gia đình anh có 3 người bị sỏi thận. Đó là mẹ, chị gái và giờ đến anh.
Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn cũng vừa phẫu thuật cho trường hợp bị sỏi san hô, bệnh nhân là ông Trần V. H (51 tuổi, Hà Nội).
Ông H. bị sỏi thận từ mười năm trước và ông uống thuốc nam để chữa sỏi thận. Tuy nhiên, gần đây, ông bị đau nhiều thắt lưng trái, vô cùng khó chịu, nhiều khi đứng không nổi. Qua các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ phát hiện sỏi thận trái kích cỡ lớn.
Viên sỏi không chỉ có kích thước lớn, mà đã “đúc khuôn” vào toàn bộ ngóc ngách trong thận, xung quanh đó có rất nhiều mạch máu lớn. Vì thế ca phẫu thuật kéo dài và khó khăn.
Thói quen xấu gây bệnh: Uống ít nước và ăn mặn
Bác sĩ Đỗ Gia Tuyển cho biết bệnh sỏi thận rất nguy hiểm. Nếu sỏi gây nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận ứ mủ nhiều, giãn to đài bể thận có thể phải cắt bỏ thận.
Tắc nghẽn đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu, đài thận.
Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản hay sỏi thận còn dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu).
Chức năng thận sẽ bị giảm nếu có sỏi ở hai bên thận. Nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm đường tiết niệu sẽ gây ra suy thận cấp hoặc mạn tính.
PGS Tuyển cho biết, cùng trong gia đình nhưng có người bị sỏi thận, người lại không bị. Tuy nhiên, những người có thói quen ăn mặn, uống ít nước sẽ dễ bị sỏi thận bởi đây là 2 nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh này.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, uống ít nước sẽ khiến hệ tiết niệu ít việc, lượng nước tiểu bị lưu cữu, trở nên đậm đặc, chất đọng tăng lên, dễ hình thành sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.
Chính vì thế, các bác sĩ khuyên mỗi ngày nên uống từ 2 – 2,5 lít nước để ngừa sỏi thận và cũng là cách tránh tích cặn bã ở đường tiết niệu.