Nếu Hải quân Việt Nam tái khởi động dự án KBO-2000, cấu hình vũ khí sẽ mạnh hơn?

Hải Dương |

Tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000 cũng là một sản phẩm được Viện Thiết kế Phương Bắc của Nga thiết kế theo yêu cầu của Hải quân Việt Nam cùng với tàu tên lửa cỡ nhỏ BPS-500.

Như đã từng đề cập trước đó, Hải quân Việt Nam hiện vẫn còn nhu cầu đối với tàu hộ vệ tên lửa có lượng giãn nước trên 2.000 tấn để vươn tới và duy trì sự hiện diện dài ngày trên các vùng biển xa.

Sau khi tiếp nhận đủ 4 chiến hạm Gepard 3.9, đã có nhận định cho rằng chúng ta có thể đặt hàng Nga đóng thêm một cặp nữa với cấu hình vũ khí mạnh hơn.

Tuy nhiên hiện nay phía bạn đang gặp khó khăn với vấn đề tiến độ hoàn thành, hơn nữa định hướng phát triển của Việt Nam đang chú trọng vào chế tạo tại chỗ, trong khi phía Nga chưa cho thấy ý định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để đóng mới lớp chiến hạm hiện đại này tại quốc gia đối tác.

Một phương án nữa cũng từng được nêu ra chính là tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 do Tập đoàn Damen của Hà Lan thiết kế.

Lợi thế của SIGMA nằm ở vấn đề chuyển giao công nghệ đối với Damen không phải yếu tố khó khăn, nhưng trở ngại lại là vũ khí trang bị cho tàu có nguồn gốc từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, tích hợp trên một nền tảng duy nhất đòi hỏi trình độ cao đối với nền công nghiệp quốc phòng mà Việt Nam hiện chưa đáp ứng đầy đủ.

Nếu Hải quân Việt Nam tái khởi động dự án KBO-2000, cấu hình vũ khí sẽ mạnh hơn? - Ảnh 1.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000 - sản phẩm của Viện Thiết kế Phương Bắc

Do vậy, phải chăng đã đến lúc Hải quân Việt Nam nên tính tới phương án tái khởi động chương trình tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000 đã bị gián đoạn từ lâu.

Lớp chiến hạm này chúng ta không vướng các điều khoản bản quyền như tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 vì là một thiết kế làm theo yêu cầu riêng, hơn nữa hệ thống điện tử và vũ khí của nó đều có xuất xứ từ Nga đã quá quen thuộc.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng do ra đời đã lâu nên cấu hình của KBO-2000 đã phần nào lạc hậu, nếu muốn triển khai thì bắt buộc phải tiến hành một vài chỉnh sửa theo hướng nâng cấp.

Đầu tiên, pháo hạm A-190E cỡ 100 mm nên được thay bằng loại AK-176MA với tháp pháo tàng hình hóa, thực tế đã chứng minh cỡ đạn 76,2 mm phù hợp với tàu chiến cỡ trung bình hơn.

Tiếp theo, vị trí 2 container KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm 3M-24 Uran-E sẽ tốt hơn nếu được "hạ ngầm" bằng bệ phóng đa năng UKSK mang 8 đạn tên lửa diệt hạm siêu âm 3M-54E Kalibr.

Phía sau đuôi tàu, hầm phóng tên lửa 9M331 - phiển bản hải quân của Tor-M1 có thể nâng cấp lên đạn 9M96E thuộc tổ hợp phòng không tầm trung Redut để tạo ra lá chắn bảo vệ tầm xa hơn.

Bên cạnh đó radar trinh sát đường không MR-755 Fregat MA1, radar điều khiển hỏa lực tên lửa Garpun-Bal và radar điều khiển hỏa lực pháo 5P-10-02E Puma cũng nên sửa lại bằng Pozitiv-ME, Mineral-ME và MR-123 Vympel để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật.

Nếu Hải quân Việt Nam tái khởi động dự án KBO-2000, cấu hình vũ khí sẽ mạnh hơn? - Ảnh 2.

KBO-2000 là một lớp tàu hộ vệ tên lửa có sức mạnh khá toàn diện

Nếu có thể tái khởi động dự án KBO-2000 với cấu hình hiện đại hóa như trên, hạm đội tàu mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ được gia tăng sức mạnh một cách rất đáng kể, đồng thời có thể tiết kiệm được một phần ngân sách so với mua thiết kế mới.

Ngoài ra năng lực của ngành đóng tàu quân sự trong nước cũng sẽ có một bước tiến vượt bậc, bên cạnh đáp ứng nhu cầu nội địa thì còn tính tới được viễn cảnh xuất khẩu lớp tàu hộ vệ tên lửa này cho một số đối tác nước ngoài trong tương lai.

Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tàu tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M - Dự án 21631

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại