Hai người nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn

PV |

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa cấp cứu, điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đều ở tỉnh Nam Định.

Bệnh nhân thứ nhất là Đ.T.D. (51 tuổi, trú tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm (gần 300 - 500 ml/ngày). Sau một ngày ăn tiết canh, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run, nhiệt độ lên đến 39-40 độ C.

Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trong tình trạng khó thở, thở nhanh, tụt huyết áp (huyết áp 60/40mmHg). Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn - xơ gan, truyền dịch, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao, tình trạng ít cải thiện và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với biểu hiện mệt mỏi nhiều, da niêm mạc tái nhợt, môi khô lưỡi bẩn, sốt cao, khó thở, nghe phổi có giảm thông khí.

Hai người nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn - Ảnh 1.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng huyết có sốc - viêm phổi, cấy máu S.suis, được điều trị kháng sinh tĩnh mạch liều cao, giảm đau, chống viêm, hạ sốt.

Những ngày đầu điều trị, bệnh nhân còn sốt cao, rét run liên tục, nhiệt độ thường xuyên ở mức 39-40 độ C. Hiện tại, sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.

Theo bệnh nhân kể lại, trước khi bị bệnh, bệnh nhân có ăn tiết canh, sau đó tham gia thái thịt lợn hộ đám cưới. Chỉ sau một đêm ăn tiết canh, bệnh nhân sốt cao 40 độ C và được đưa nhập viện ngay.

Hai người nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn - Ảnh 2.

Hình ảnh bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân thứ hai là Đ.T.C. (nữ, 44 tuổi, trú tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) làm nghề giết mổ lợn. Bệnh nhân nhập viện giữa đêm vì giảm ý thức.

Trước đó, bệnh nhân mệt mỏi, sốt không rõ nhiệt độ, người nhà phát hiện trong tình trạng kích thích, vật vã, gọi hỏi không trả lời, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê, suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản, được chẩn đoán viêm màng não và chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết - viêm màng não mủ - viêm phổi. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chọc dịch não tủy để đánh giá, dịch não tủy chảy ra đục mủ như nước vo gạo. Bệnh nhân hôn mê được điều trị thở máy.

Qua quá trình điều trị tích cực, hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh và được rút ống nội khí quản. Sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.

Các bác sĩ cho biết, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây ra là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại