Hai câu nói của ông Tập Cận Bình để lộ thế khó của Trung Quốc hiện nay

Minh Khôi |

Hai câu nói tưởng chừng không có gì đáng kể đã hé lộ lĩnh vực mà Trung Quốc cần cải thiện trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.

Ông Tập nhấn mạnh lòng tin với "cánh tay phải"

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác tư tưởng và tuyên truyền, tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 21-22/8, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: "Các quyết sách và kế hoạch được đưa ra bởi Ủy ban Trung ương đảng từ Đại hội 18 năm 2012 là đúng đắn. Các quan chức trên mặt trận tư tưởng là đáng tin cậy".

Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) bình luận, phát biểu của ông Tập dường như không có gì đặc biệt, nhưng việc ông  nhấn mạnh sự "chính xác" trong quyết sách của đảng và các quan chức "đáng tin cậy" phần nào hé lộ thông điệp mới, bởi đường hướng của ban lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay luôn được coi là đúng đắn và chính xác.

Theo Nikkei, quan chức được ông Tập Cận Bình nhắc tới trong bài phát biểu nhiều khả năng là ông Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, đôi khi được gọi là "Kissinger của Trung Quốc".

Ông Vương từng làm cố vấn cho các lãnh đạo Trung Quốc là ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào và nay là ông Tập Cận Bình. 

Ông cũng được coi là nhân tố quan trọng tạo ra các tư tưởng mang dấu ấn của các nhà lãnh đạo, trong đó có kế hoạch "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập.

Ông Vương hiện giữ các chức vụ Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo trung ương về đi sâu cải cách toàn diện trung ương, và Chủ nhiệm Ủy ban trung ương chỉ đạo xây dựng văn minh tinh thần - phụ trách hoạt động tư tưởng.

Trung Quốc gặp khó vì phương hướng tuyên truyền cũ

Trong suốt mùa hè này, đã có nhiều tranh luận chỉ ra rằng chính sách tuyên truyền hiện tại - mang nhiều dấu ấn kiến thiết của ông Vương - là nguyên nhân khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu trong cuộc chiến thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời khiến phương Tây nghi ngại về vấn đề đánh cắp công nghệ.

Nikkei đánh giá, hoạt động tuyên truyền thổi phồng quá đà về Trung Quốc - trong cả lĩnh vực kinh tế và quân sự - cũng đang bị đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong bối cảnh nước này bị Mỹ ép trong cuộc chiến thương mại.

Vừa qua, bộ phim tài liệu "Lợi hại thay, nước ta" (tên tiếng Anh: Amazing China) là bộ phim tài liệu nhựa được cắt gọt, biên tập dựa trên 6 tập phim truyền hình "Trung Quốc huy hoàng" đã bị ngừng chiếu.

Bộ phim ghi lại những thành tựu mà Trung Quốc giành được từ Đại hội 18 (tháng 11/2012) đến nay.

Bộ phim tràn ngập những hình ảnh về những "kỳ tích vượt bậc gây nức lòng người" của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật như: Máy bay tàng hình J-20, Tàu sân bay Liêu Ninh, Cầu lớn vượt biển nối Hồng Kông - Chu Hải - Ma Cao...

Ông Lỗ Nan, Đại học Nhân dân nói, mục đích ban đầu của bộ phim này là cổ súy chủ nghĩa dân tộc, nhưng sau khi xảy ra tranh chấp mậu dịch Trung - Mỹ, đặc biệt là "Sự kiện ZTE" - khi Trung Quốc bị coi là lấy cắp kỹ thuật của phương Tây, các chuyên gia chuyên ngành đều lên tiếng cho rằng, cái gọi là "thành tựu trong lĩnh vực cao" của Trung Quốc không thật sự "lợi hại" như tuyên truyền trong phim.

Ông Lỗ nói, trong phim có nhiều chỗ mô tả đã "tham khảo, vận dụng" kỹ thuật của người khác như thế nào, nhanh chóng biến thành của mình ra sao, biến bộ phim thành một "bản tự khai cung" nên nó nhanh chóng bị gỡ xuống.

Một điểm mà truyền thông Nhật cũng lưu ý là, kể từ đầu tháng 7, sau khi cuộc chiến thuế quan giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu, truyền thông Trung Quốc đã dần hạn chế nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 - chương trình quy mô lớn nhằm đưa nước này thành cường quốc đi đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ - như một cách tránh "thách thức" Mỹ.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang kiềm chế việc tung ra các chiến dịch tuyên truyền cao cấp. Số lượng các biểu ngữ, biển báo và áp phích tuyên truyền đã bị thu hẹp ở nhiều nơi trên đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại