Hà Nội: Thêm gần 2.600 người mắc và 100 ổ dịch sốt xuất huyết, cảnh báo 6 triệu chứng chuyển nặng cần đến viện ngay

Nguyễn Phượng |

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 25.893 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Gần 2.600 ca mắc sốt xuất huyết chỉ trong 1 tuần

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 20 đến 27/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.579 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm gần 200 trường hợp so với tuần trước đó. Mặc dù, số ca mắc mới sốt xuất huyết trong tuần qua giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức cao.

Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Thanh Oai (247 ca), Hà Đông (222 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Trì (168 ca), Hoàng Mai (146 ca), Thanh Xuân (144 ca), Chương Mỹ (142 ca).

Ngoài ra, ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã (giảm 13 ổ dịch so với tuần trước đó). Trong đó có một số địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch, đứng đầu là Nam Từ Liêm và Đống Đa với 15 ổ dịch, tiếp đến là Thanh Oai có 11 ổ dịch, Hà Đông 8 ổ dịch, Chương Mỹ và Hoàn Kiếm có 7 ổ dịch…

Hà Nội: Thêm gần 2.600 người mắc và 100 ổ dịch sốt xuất huyết, cảnh báo 6 triệu chứng chuyển nặng cần đến viện ngay - Ảnh 1.

Hà Nội ghi nhận gần 2.600 ca sốt xuất huyết chỉ trong 1 tuần - Ảnh: Thanh Niên

Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 25.893 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Triệu chứng tăng nặng của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.

Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường. Nhiều người chủ quan, nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết diễn ra từ ngày 3-7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể giảm hoặc còn sốt, lúc đó sẽ xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

Các biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như:

- Đau bụng dữ dội

- Nôn liên tục

- Chảy máu lợi, chân răng

Hà Nội: Thêm gần 2.600 người mắc và 100 ổ dịch sốt xuất huyết, cảnh báo 6 triệu chứng chuyển nặng cần đến viện ngay - Ảnh 2.

Tăng cường phun thuốc diệt muỗi lại các ổ dịch sốt xuất huyết - Ảnh: TTXVN

- Nôn ra máu

- Thở nhanh

- Mệt mỏi, bồn chồn

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này gây ra:

- Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không;

- Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng.

Cụ thể, người bệnh có thể bị tràn dịch phổi và có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.

Triệu chứng nặng khi bị tràn dịch màng bụng như: Chướng bụng, bụng to nhanh; đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.

Người bệnh có thể mắc xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết, thường sẽ có ở mặt trước 2 chân, và mặt trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng.

Tình trạng nguy hiểm hơn khi xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh...

Các biến chứng nặng mà người bệnh sốt xuất huyết có thể phải đối mặt ở giai đoạn nguy hiểm như: Viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận.

Những biến chứng nặng có thể xảy ra ở một số người bệnh không có các dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không bị sốc. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh; nếu có các triệu chứng trở nặng như trên cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Cách phòng ngừa sốt xuất huyết

Muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống (khu vực đô thị).

Hà Nội: Thêm gần 2.600 người mắc và 100 ổ dịch sốt xuất huyết, cảnh báo 6 triệu chứng chuyển nặng cần đến viện ngay - Ảnh 3.

Muỗi Dengue thường đẻ trứng trong các nơi chứa nước đọng

Muỗi Dengue đẻ trứng ở các lu/vại/thùng chứa nước bên trong nhà và các khu vực xung quanh nơi ở (bao gồm chai lọ, lọ hoa, thùng/xô/chậu/bình, rác thải, lốp hỏng, vv… chứa nước đọng). Trứng muỗi nở khi gặp nước. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng.

Muỗi trưởng thành "thường" đậu trong nhà ở các xó tối (phòng đựng đồ, dưới gầm giường, sau rèm cửa). Tại các khu vực này, muỗi không bị gió, mưa và kẻ thù của chúng tiêu diệt, khiến vòng đời và cơ hội sống của chúng đủ dài để chúng mang mầm bệnh truyền từ người này sang người khác.

Để giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue, người dân dần:

- Loại bỏ những khu vực hay có muỗi đẻ trứng ở cả trong nhà và ngoài trời

- Các vật dụng thu nước mưa hoặc được sử dụng để chứa nước cần được che đậy hoặc loại bỏ đúng cách

- Các thùng chứa nước thiết yếu nên được làm cạn, làm sạch và cọ rửa ít nhất một lần một tuần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại