Hà Nội vừa công bố tờ trình đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Tờ trình này sẽ được HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (3-6/7) tới đây.
Nhiều nội dung quan trọng đã được đề xuất thông qua quá trình khảo sát lấy ý kiến người dân của chính quyền thành phố.
Với mục tiêu cao nhất để giảm ùn tắc giao thông, thời gian qua, công an thành phố đã phát hơn 15.000 phiếu khảo sát đến từng hộ gia đình trong phạm vi 30 quận, huyện.
Theo đó, có tới 90,35% số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải có những điều kiện vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Đặc biệt, trong phần xin ý kiến về đổi giờ học, giờ làm, có 71,76% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông, trong đó khu vực vành đai 3 số người được lấy ý kiến ủng hộ là 67,14%.
Về lộ trình thực hiện, Hà Nội cho biết trong năm 2017-2018, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm và kinh doanh dịch vụ theo quyết định số 315, ngày 12/1/2012 của UBND thành phố nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp khác được đưa ra như điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng thông qua đăng ký để đề xuất các biện pháp thu hồi; Đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện; Nghiên cứu ban hành đảm bảo quy định và tính cạnh tranh trong hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh, xe Uber, Grab; lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới không cần thiết đi vào...
Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030" được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2017-2018 sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.
Giai đoạn 2 từ năm 2017-2020, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 3 từ năm 2017-2030 sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.