Để hiểu rõ hơn về gen trong điều trị ung thư phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu về vấn đề trên.
Thưa GS Mai Trọng Khoa, điều trị dựa trên các xét nghiệm gen là phương pháp khá mới mẻ hiện nay. Cá nhân GS, có đánh giá nhận định như thế nào về phương pháp này?
GS. Mai Trọng Khoa: Trước đây, khi y học chưa phát triển, lúc đó phẫu thuật(mổ), cắt bỏ khối u là phương pháp chữa ung thư đầu tiên, cũng là phương pháp kinh điển có từ thời rất xa xưa.
Y học phát triển hơn, người ta mới biết được có những khối u ác tính, khối u lành tính. Để điều trị khối u ác tính ngoài mổ thì phương pháp xạ trị và hóa trị ra đời.
Hiện nay, chúng ta còn biết đến những phương pháp điều trị ung thư hiện đại như: điều trị đích, miễn dịch.
Điều trị ung thư đi từ các phương pháp điều trị chung cho tới điều trị riêng cho từng cá thể.
Bằng kỹ thuật và công nghệ ngày nay đã biết được một số đột biến gen có ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị ung thư.
GS. có thể nói rõ và cụ thể hơn về ý nghĩa và hiệu quả của việc ứng dụng gen trong chẩn đoán và điều trị ung thư?
Máy giải mã gen.
GS. Mai Trọng Khoa: Ở phía trên tôi cũng đã nhắc tới quá trình phát triển các kỹ thuật mới trong ung thư được phát triển rất tự nhiên. Đi từ những gì chúng ta nhìn thấy, sờ thấy (khối u) cho đến nay là y học phân tử (gen).
Trong quá trình điều trị bệnh trên thế giới đã phát hiện ra cùng là một loại ung thư nhưng ở từng cá thể khác nhau thì đáp ứng thuốc lại khác nhau. Bằng kỹ thuật công nghệ sinh học ngày nay đã phát hiện ra có những biến đổi và đột biến gen trên mỗi cá thể.
Có bệnh nhân ung thư có đột biến gen, nhưng có những bệnh nhân không có, do đó việc lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau giữa hai cá thể mặc dù cùng một loại bệnh, cùng giai đoạn bệnh.
Theo như GS chia sẻ ở phía trên thì ung thư có tính cá thể hóa và điều trị ung thư không có công thức chung cho từng người?
GS. Mai Trọng Khoa: Tính cá thể hóa của ung thư được thể hiện trong việc có đột biến gen hay không. Vì vậy, không có một công thức chung điều trị cho tất cả mọi bệnh nhân ung thư.
Cần phải dựa vào cá thể đó là loại bệnh ung thư gì, giai đoạn nào, thể trạng ra sao, loại mô bệnh học là gì, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen có gì đặc biệt… để tìm ra phương pháp phù hợp thì mới phát huy được hiệu quả điều trị.
Người có đột biến gen sẽ phải có cách chữa ung thư khác không thể giống người không có đột biến được.
Ứng dụng xác định đột biến gen ung thư tại Việt Nam hiện nay ra sao thưa GS?
GS. Mai Trọng Khoa: Hiện nay, tại Việt nam, chúng ta đã tiếp cận được với công nghệ sinh học trên thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây để làm các xét nghiệm gen và ứng dụng điều trị đích, miễn dịch tại một số bệnh viện.
Tại Bệnh viện Bạch mai, Đơn vị Gen-Tế bào gốc thuộc trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã xác định được hầu hết các đột biến gen phục vụ điều trị, tiên lượng một số loại ung thư.
Đặc biệt Đơn vị đã áp dụng phương pháp xét nghiệm mới hiện đại nhất hiện nay trên thế giới, phương pháp này cho phép xác định được đột biến của hàng trăm gen trong một lần xét nghiệm, từ đó có thể giúp bác sĩ có nhiều lựa chọn hơn và điều trị mang lại hiệu quả cao hơn cho bệnh nhân.
Thao tác lấy mẫu để xét nghiệm gen.
Việc chẩn đoán bệnh ung thư hiện nay ngoài siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, PET/CT thì còn các xét nghiệm sinh học phân tử.
Ở mức độ phân tử sẽ xác định được những đột biến gây ra ung thư, đột biến sẽ đáp ứng hay không đáp ứng với điều trị; từ đó để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Nhiều người đang cho rằng vấn đề gen trong điều trị ung thư rất nhạy cảm, cá nhân GS thấy sao về điều này?
GS. Mai Trọng Khoa: Điều trị ung thư có sử dụng các ứng dụng liên quan đến gen không hề nhạy cảm. Nó giúp cho bác sĩ có thêm lựa chọn các phác đồ điều trị cho bệnh nhân, giúp các bệnh nhân cải thiện hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ,
Thưa GS khi khám cho bệnh nhân dựa vào yếu tố nào sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm xét nghiệm đột biến gen? Gia đình có người mắc ung thư có gen đột biến các thành viên khác có cần đi xét nghiệm gen hay không?
GS. Mai Trọng Khoa: Một số bệnh ung thư có liên quan đến các yếu tố di truyền (gen) như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng, ung thư dạ dày, tiền liệt tuyến, u thần kinh đệm..., nếu trong gia đình có người mắc ung thư thì nên làm xét nghiệm gen để được tư vấn di truyền.
Người mang có gen đột biến ung thư đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư hay không, thưa GS?
Người có đột biến gen sẽ phải có cách chữa ung thư khác không thể giống người không có đột biến được.
GS. Mai Trọng Khoa: Có rất nhiều nguyên nhân gây đột biến gen, và không phải cá thể mang đột biến gen thì sẽ bị bệnh ung thư.
Các gen khác nhau có vai trò và chức năng khác nhau trong cơ thể, chúng có thể biểu hiện, có thể đột biến, có thể tự sửa chữa, do đó mang gen đột biến di truyền hay đột biến mắc phải thì có nguy cơ mắc ung thư cao hơn người bình thường chứ không phải 100% sẽ bị bệnh ung thư.
Gen đột biến ung thư nào tại Việt Nam có tỷ lệ di truyền cao nhất?
GS. Mai Trọng Khoa: Hiện tại chưa có thống kê toàn diện về vấn đề này tại Việt Nam
Cảm ơn GS. Mai Trọng Khoa!