Gỡ khó đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH - LIÊN ANH |

Bộ Y tế đang khẩn trương sửa đổi một số văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong Thông tư số 14/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, bỏ quy định "giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã trúng thầu trong vòng 12 tháng trở lại".

Mở rộng quyền quyết định, chịu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-12, một số lãnh đạo bệnh viện ở TP HCM cho rằng việc bãi bỏ quy định theo Thông tư 14/2020 phù hợp với thực tế; mở rộng quyền quyết định và chịu trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở y tế.

TS-BS chuyên khoa II Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, nhận định: "Bộ Y tế đã lắng nghe và sửa chữa những quy định chưa sát thực tế. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị y tế vốn gặp rất nhiều khó khăn thời gian qua".

BS chuyên khoa II Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP HCM), cho rằng đây là sự cải tiến có tiếp thu của Bộ Y tế về vấn đề chất lượng sản phẩm kèm theo giá. "Dân gian có câu "tiền nào của đó", không thể có sản phẩm chất lượng tốt, được đầu tư trí tuệ nhiều mà giá thấp. Điều quan trọng ở đây là trao quyền, trách nhiệm cho từng thủ trưởng đơn vị, hội đồng khoa học kỹ thuật, hội đồng thẩm định giá" - BS Khanh nhấn mạnh.

Gỡ khó đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế - Ảnh 1.

Người dân chờ nhận thuốc ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Theo một chuyên gia y tế, bên cạnh việc bãi bỏ khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020, cũng cần sớm sửa các quy định liên quan tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Bởi nếu không sửa các quy định tại nghị định này thì việc bãi bỏ thông tư nói trên cũng không có giá trị.

Trước đó, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021; Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021.

Nhiều thuốc trúng thầu vẫn chưa có hàng cung ứng

Liên quan đến đấu thầu thuốc, mới đây, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia - Bộ Y tế cho biết kết quả giám sát 18 đơn vị trúng thầu gói thuốc tập trung quốc gia quý III/2022 cho thấy có 24 mặt hàng của 8 đơn vị trúng thầu có số lượng tồn kho thấp, không đủ cung ứng theo dự trù hoặc chưa thể cung ứng cho các cơ sở y tế.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan lâu hơn dự kiến. Mặt khác, sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu, nằm ngoài dự kiến của nhà thầu. Tuy nhiên, sau khi đàm phán, các doanh nghiệp đều cam kết tất cả các mặt hàng thuốc trúng thầu sẽ về Việt Nam trong tháng 12-2022.

Theo ông Dũng, trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia chỉ thực hiện đấu thầu 32 hoạt chất. Nếu nói về giá trị, đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 6,7% trên tổng số giá trị sử dụng thuốc hằng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số lượng hoạt chất và tỉ lệ giá trị còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu. Do đó, đại diện Bộ Y tế cho rằng các địa phương vẫn phải chủ động trong việc đấu thầu thuốc để bảo đảm thuốc điều trị cho người bệnh.

Chưa dồi dào nhưng đáp ứng được điều trị

Lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho biết thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc điều trị đã dần được khắc phục. Bệnh nhân đi khám bệnh đã được nhận thuốc từ nguồn BHYT, thậm chí các thuốc đặc trị, biệt dược cũng không còn khan hiếm trước đó. Dù vẫn đáp ứng điều trị nhưng so với trước đây, nguồn thuốc vẫn chưa dồi dào.

Trong khi đó ở TP HCM, qua khảo sát của phóng viên, hầu hết các bệnh viện không thiếu thuốc. BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), khẳng định: "Ngoài dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết Dextran thì các thuốc khác tại bệnh viện vẫn đủ đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh".

Sở Y tế TP HCM cũng cho biết thành phố không thiếu thuốc. Về dung dịch cao phân tử Dextran 40 điều trị sốt xuất huyết trước đây có giai đoạn đứt hàng. Tuy nhiên, khoảng 3 tuần trở lại đã có hàng.

Cần cơ chế gia hạn tự động thuốc

Để giải "cơn khát" thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, từ tháng 6-2022 đến nay, Bộ Y tế đã có 5 lần gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành đối với hơn 10.200 loại giấy phép của thuốc và nguyên liệu làm thuốc hết hạn trong năm 2022.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dược cho rằng với số lượng lớn hồ sơ thuốc và nguyên liệu làm thuốc cần gia hạn trong năm 2022 và 2023 thì về lâu dài, cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. "Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại