"Giết con cho ăn gan" - quan niệm này có đúng? Hãy đọc câu trả lời của bác sĩ dinh dưỡng

Linh Trang |

Mọi người vẫn truyền tai nhau về câu nói “ăn gan không tốt”, “ăn gan là giết người gián tiếp” thành ra gan là món ăn cấm kị với người lớn và cả trẻ nhỏ.

Nhưng đó lại là một quan niệm sai lầm.

Những lợi ích từ ăn gan mà nhiều người chưa biết

Theo các bác sĩ dinh dưỡng, gan là một trong những thực phẩm tốt và sạch nhất trong số các món phủ tạng.

Dù là món yêu thích nhưng bà Trần Lan Anh (Cầu Giấy – Hà Nội) rất ít khi cho cả nhà ăn món gan. Với cháu nhỏ thì lại càng tuyệt đối không dám cho ăn.

"Tôi nghĩ đơn giản trong gan có chứa nhiều ký sinh trùng như sán, nhiều virus gây bệnh mà điển hình là virus viêm gan. Vì thế ngon thì ngon thật nhưng tôi vẫn phải hạn chế cho gia đình ăn các món chế biến từ gan", bà Lan Anh nói.

Thế nhưng những chia sẻ của BS dinh dưỡng lại hoàn toàn khác so với các định kiến trước đây của bà về gan.

TS BS Phạm Thị Thúy Hòa – Viện trưởng Viện dinh dưỡng ứng dụng cho biết: "Khi nhắc đến gan, dân gian có câu nói "thương con thì cho ăn tiết giết con thì cho ăn gan", tôi cho rằng nói vậy là không đúng.

Bởi trong gan có đủ tất cả các thành phần như đạm, đạm trong gan cũng là đạm hoàn thiện, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng mà cơ thể con người rất cần thiết, vitamin A trong gan nhiều hơn trong thịt, cá, trứng, sữa, chất sắt cùng các nhóm vitamin được tập hợp.

Trong gan có rất nhiều men, men tiêu hóa, men thải độc, đặc biệt hơn là không có một phủ tạng nào lại có nhiều men có lợi như bộ phận gan.

Chính vì thế, khi chất hại nào vào gan, thì gan chính là nơi thải chất độc hại ra ngoài. Gan là bộ phận chuyển hóa và đào thải chất độc trong cơ thể".

Giết con cho ăn gan - quan niệm này có đúng? Hãy đọc câu trả lời của bác sĩ dinh dưỡng - Ảnh 2.

Khi con người được ăn gan đồng nghĩa với việc sẽ được bổ sung một hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, người lớn, mỗi tuần ăn một bữa gan xào là rất tốt

Theo BS dinh dưỡng, nên cho trẻ nhỏ ăn gan ít nhất một tuần hai lần, để tăng cường lượng vitamin A cho bé cao nhanh, tăng sức đề kháng giảm các bệnh nhiễm khuẩn.

Gan có nhiều chất, nên bé được ăn gan thường xuyên thì lượng thiếu máu trong bé cũng ít đi, hàm lượng đạm trong gan cân đối các axit amin tốt cho bé bởi chúng đang ở vào giai đoạn phát triển nhanh, với bé ăn dặm có thể mỗi bữa cho bé ăn 30g – 50g.

Người lớn cũng tương tự vậy. "Nếu ăn được gan thì cực kỳ tốt, khi con người được ăn gan đồng nghĩa với việc sẽ được bổ sung một hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, người lớn, mỗi tuần ăn một bữa gan xào là rất tốt", BS Hòa nhấn mạnh.

Chuyên gia chỉ cách lựa chọn gan giàu dinh dưỡng

Gan giàu dinh dưỡng khi miếng gan có màu hồng tươi bóng. Khi cắt lá gan ra thì bên trong phải còn tươi.

Chuyên gia dinh dưỡng Phạm Thị Thúy Hòa nhấn mạnh: "Để có được món gan ngon, giàu dinh dưỡng có thể chế biến ra rất nhiều món khác nhau như gan xào, gan rán om nước dừa, nhưng tuyệt đối gan không được xào với giá đỗ.

Sở dĩ kiêng kị xào hay ăn giá đỗ sống với gan là bởi trong giá đỗ có rất nhiều vitamin C, nếu xào lẫn hoặc ăn gan lợn với giá đỗ sống cùng một lúc hoặc trong thời gian gần nhau sẽ làm vitamin C bị oxy hoá thành chất bã và món ăn sẽ không còn chất dinh dưỡng.         

Muốn có món gan đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm, người nấu phải biết cách chế biến. Bởi khi chưa chế biến chín sản phẩm có rất nhiều vi khuẩn, kí sinh vật".

Có nhiều lưu ý cũng được chia sẻ để cảnh báo bà nội trợ phải biết cách lựa chọn thực phẩm, nhất là các món phủ tạng, bởi hơn ai hết các BS dinh dưỡng hiểu, gan vừa có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng gan lại hay chứa mầm bệnh nếu không lựa chọn tốt.

Xem thêm:

Thực phẩm bảo vệ gan


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại