Giật mình thấy giun bò lổm ngổm dưới da, khạc đờm ra... "sinh vật lạ"

Tiểu Nhã |

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương, khi giun lươn xâm nhập vào cơ thể, di chuyển vào máu, lên phổi, có thể gây tử vong khi lên não, tim.

Mờ mắt vì giun

Mới đây, một bệnh nhân 50 tuổi vào viện vì mờ mắt, ngứa, da có nhiều nốt ngoằn nghèo. Theo lời bệnh nhân kể, thỉnh thoảng cô thấy tức ngực, ho khạc ra đờm có những sinh vật nhỏ ngọ nguậy. Bệnh nhân này có một trang trại ở Lào và trồng hoa. Hàng ngày bệnh nhân có tiếp xúc với hoa.

Các bác sĩ khám cho bệnh nhân phát hiện bệnh nhân bị nhiễm giun lươn.

Viện Sốt rét Ký sinh trùng TP.HCM cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 22 tuổi, sống tại Bình Dương, làm việc văn phòng, tới khám bệnh với lý do: Đau, ngứa và có dấu hiệu một đường di chuyển ngoằn ngoèo tại da lòng bàn chân trái. Triệu chứng cơ năng của bệnh nhân là đau, ngứa và có dấu hiệu ấu trùng giun di chuyển ở lòng bàn chân trái.

Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, một đầu hóa mủ, phát triển ra xung quanh thành một đường ngoằn ngoèo, gồ cao, tổn thương dài khoảng 5 cm, lòng bàn chân nóng. Xét nghiệm miễn dịch ELISA dương tính với giun lươn.

Theo bác sĩ Cấp, giun lươn tên khoa học là Strongyloides stercoralis được Bavay tìm ra năm 1876 ở lính Pháp hồi hương từ Việt Nam. Ngoài người, chúng có thể gây bệnh cả ở chó mèo.

Giun lươn sống tự do trong đất hoặc ký sinh ở động vật. Chúng có 3 giai đoạn vòng đời: Giun trưởng thành, ấu trùng rhabditiform và ấu trùng filariform.

Trong chu kỳ tự do, giun sống trong đất, đẻ trứng nở ra ấu trùng rồi lại phát triển thành giun trưởng thành. Cứ thế tồn tại vô thời hạn trong đất.

Trong chu kỳ ký sinh: Một số rhabditiform biến đổi thành filariform. Nếu ta đi chân trần vào vùng đất có chứa filariform, chúng sẽ đi xuyên qua da tạo các nốt di bệnh ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột.

Tại ruột, chúng đẻ trứng nở thành ấu trùng rhabditiform thải theo phân gây ô nhiễm đất.

Giật mình thấy giun bò lổm ngổm dưới da, khạc đờm ra... sinh vật lạ - Ảnh 1.

Giun lươn bò dưới lòng bàn chân

Một số rabditiform thành filariforrm ngay trong lòng ruột lại tái xâm nhập qua da gần hậu môn vào máu lại tạo ra lứa giun mới. Cơ chế này khiến người bị nhiễm giun lươn thường mạn tính vài chục năm.

Khi cơ thể suy giảm sức đề kháng hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, Ấu trùng rhabditiform phát triển ồ ạt thành filariforrm ngay trong lòng ruột rồi kéo "chu du" đi xuyên qua niêm mạc ruột vào máu, lên phổi lại bắt đầu một chu kỳ ký sinh mới.

Khi đi xuyên qua thành ruột chúng sẽ đem theo nhiều loại vi khuẩn từ phân gây ra nhiễm trùng huyết nặng hoặc các ổ di bệnh lan tỏa. Tại phổi nó gây viêm phổi nặng.

Giun lươn có thể lan toả lên não, tim, mắt

Theo bác sĩ Cấp, tại Việt Nam tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1%. Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất lên tới 42.4%.

Tuy nhiên, hầu hết các ca nhiễm giun lươn mạn thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ có mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. 75% số này có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau.

Khi cơ thể của họ bị suy giảm nhiễm dịch sẽ dẫn tới viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt, vv… và tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%.

Để xác định bệnh nhân có bị giun lươn hay không, bác sĩ phải soi trực tiếp, nhuộm soi bệnh phẩm đã làm phong phú, soi bệnh phẩm sau khi thu hồi ấu trùng bằng kỹ thuật phễu Baermann hoặc soi bệnh phẩm bằng kỹ thuật giấy lọc Harada-Mori, soi sau khi nuôi cấy phân trong các tấm thạch.

Giật mình thấy giun bò lổm ngổm dưới da, khạc đờm ra... sinh vật lạ - Ảnh 2.

Ấu trùng di chuyển vào máu, lên phổi... gây nguy hiểm

Với việc xét nghiệm phân không tìm được giun lươn và trứng giun.

Còn xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giun lươn chỉ xác định bệnh nhân từng nhiễm giun lươn. Do người bị nhiễm sẽ mang giun lươn trong nhiều năm, nên nếu họ chưa dùng thuốc diệt giun thì huyết thanh (+) xác định họ đang mang giun lươn. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ dương tính giả.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo nên vệ sinh môi trường như quản lý tốt phân, nước, rác. Vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi.

Áp dụng các biện pháp phòng hộ trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Những người thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng. Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm.

Nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể thao hàng ngày để bảo vệ và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tránh tình trạng suy giảm miễn dịch làm bùng phát bệnh giun lươn lan tỏa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại