Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức báo động
Tại Lễ mít tinh phát động tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2018 diễn ra tại Hoà Bình mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình - Bộ Y tế cho biết mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn... ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu các khu công nghiệp tập trung…. Đi kèm theo đó là kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế.
Số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho thấy, tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 - 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Đây là các con số báo cáo chính thức, các con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Xóa bỏ khoảng trống trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Những con số rất đáng lo ngại này càng đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo không còn các ca mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên, thanh niên.
Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng.
Những khoảng trống này được phản ánh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và tình dục của vị thành niên, thanh niên. Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục đảm bảo chất lượng, ví dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn.
Vì vậy, cần xóa bỏ những khoảng trống trên đồng thời, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế xã hội to lớn và lâu dài.