Giao tranh ở Libya: “Vết rạn” giữa các nước vùng Vịnh và EU

Kiều Anh |

Giao tranh ác liệt ở Libya giữa lực lượng của Tướng Haftar với quân chính phủ được quốc tế công nhận đang gây chia rẽ giữa các nước vùng Vịnh và EU.

Các nước vùng Vịnh chia rẽ

Ngày 16/4, Qatar đã kêu gọi chặn các nguồn hỗ trợ vũ trang từ nước ngoài cho các lực lượng ở phía đông Libya của tướng Khalifa Haftar sau khi ông phát động cuộc tấn công thủ đô Tripoli gây nên sự chia rẽ giữa một số nước vùng Vịnh và EU.

Gần 2 tuần kể từ khi cuộc tấn công thủ đô của Libya được tiến hành, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) vẫn "kẹt" ở ngoại ô phía nam Tripoli trong cuộc chiến với các nhóm vũ trang trung thành với chính phủ Libya được quốc tế công nhận.

Trong khi đó, các quốc gia khác đang lo ngại khi không thể có một mặt trận thống nhất trong các vòng xoáy giao tranh ở Libya giữa các lực lượng khác nhau kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Cuộc xung đột ở Libya trong những năm qua đã gây ra thương vong ngày một tăng khi 174 người thiệt mạng, 756 người bị thương và 18.250 người phải rời bỏ nhà cửa cùng với một kế hoạch hòa bình quốc tế còn rất mơ hồ.

Giao tranh ở Libya cũng đe dọa gián đoạn dòng chảy dầu mỏ trên thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng di cư từ Địa Trung Hải tới châu Âu cũng như giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan "thừa nước đục thả câu" trong cuộc hỗn loạn.

Qatar cho rằng lệnh cấm vận vũ trang hiện tại của Liên Hợp Quốc với Libya nên được thực hiện nghiêm túc để ngăn chặn Tướng Haftar nhận được vũ khí.

Hiện tại, lực lượng của Tướng Haftar có căn cứ ở Benghazi nhận được sự ủng hộ từ Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia - những quốc gia coi nhà lãnh đạo Quân đội Nhân dân Libya là một nhân tố có thể khôi phục sự ổn định và đánh bại phiến quân hồi giáo cực đoan ở quốc gia Bắc Phi này. 3 quốc gia vừa nêu đã cắt đứt quan hệ với Qatar năm 2017 với cáo buộc nước này ủng hộ phiến quân Hồi giáo và Iran.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nhận định trên tờ nhật báo La Repubblica của Italy rằng hội nghị hòa bình bị trì hoãn của Liên Hợp Quốc nên được khởi động lại và quân đội của Tướng Haftar cần phải rút lui.

Lệnh cấm vận vũ trang phải được thực hiện để ngăn chặn các nước trên dừng cung cấp đạn dược và các vũ khí hiện đại cho Tướng Haftar, Ngoại trưởng Qatar cho biết.

Các báo cáo của Liên Hợp Quốc nhận định UAE và Ai Cập đã cung cấp vũ khí và các chiến đấu cơ cho Tướng Haftar khiến ông chiếm được ưu thế vượt trội hơn so với một số phe phái khác ở Libya.

Chiến sự Libya – Vết rạn giữa Pháp và Italy

Không chỉ gây chia rẽ về ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh, chiến sự Libya còn là "vết rạn" giữa Pháp và Italy.

Trước đây Paris từng hỗ trợ Tướng Haftar và coi ông là nhân tố tốt nhất để chấm dứt hỗn loạn tại Libya từ khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ.

Trong khi đó, Italy với những lợi ích đáng kể trong việc Libya là một thành viên của OPEC, đã ủng hộ chính phủ ở thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj đứng đầu. Italy tỏ ra không hài lòng khi Pháp ngần ngại ủng hộ nghị quyết gần đây của EU trong việc buộc Tướng Haftar phải dừng các hoạt động quân sự.

Tuy nhiên, đến nay Thủ tướng Serraj hiện vẫn có thể xoay xở để LNA không tiến được vào trung tâm thủ đô Tripoli, phần lớn nhờ vào các nhóm vũ trang từ các phe phái ở phía tây Libya hỗ trợ.

Cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc cho biết ngày 16/4 rằng 6.900 người di cư vẫn bị mắc kẹt trong trung tâm thủ đô Tripoli mặc dù một số người đã được đưa tới các nơi an toàn hơn.

Những người di cư này chủ yếu đến từ châu Phi và Syria qua sa mạc Sahara với ý định sẽ vượt Địa Trung Hải để tiến vào Italy và một số nước khác./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại