Những nguy cơ ngộ độc
Theo Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch – Nguyên trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn hàng ngày và ngày Tết thì nguy cơ đó càng cao hơn. Hầu như năm nào vào mùa Tết và lễ hội các ca ngộ độc thực phẩm đều gia tăng.
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể do nhiều tác nhân trong đó có ngộ độc do Salmonella. Đây là loại nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, thường xảy ra trong giai đoạn ngắn. Biểu hiện nhiễm độc do độc tố của vi trùng là buồn nôn, nhức đầu, choáng váng… sốt, nôn, tiêu chảy nhiều lần, phân nhiều nước đôi khi có máu.
Còn ngộ độc thực phẩm do tụ cầu (staphylococcus) ban đầu người bệnh thấy chóng mặt, buồn nôn, nôn dữ dội, đau quặn bụng, tiêu chảy, đau đầu, mạch nhanh, có thể sốt nhẹ.
Một loại ngộ độc nữa đó là ngộ độc do vi rút, điển hình nhất là vi rút gây bệnh viêm gan A (HAV) và Norwalk. Với những loại thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến nguội, bánh bao, bánh mì kẹp thịt và các loại nhuyễn thể (sò, ốc, hến) sống ở nguồn nước bẩn.
Ngộ độc thực phẩm hay xảy ra trong ngày Tết
Khi bị ngộ độc vi rút ngày thường có triệu chứng tiêu chảy đối với người lớn và bị nôn đối với trẻ em.
Một số trường hợp ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật. Ngộ độc chất này rất nguy hiểm vì nó có thể gây tổn thương hệ thần kinh gây nhức đầu, mất ngủ, ra mồ hồi thậm chí gây liệt não, gây rối loạn nhịp tim, viêm hô hấp trên, viêm dạ dày, viêm gan mật và đặc biệt là hội chứng thiếu máu, giảm bạch cầu, xuất huyết.
Với những loại ngộ độc cấp tính như này, giáo sư Trạch cho biết nó thường xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn.
Ngộ độc thực phẩm không thể xem nhẹ vì có thể nguy hiểm tới tính mạng người bệnh, trường hợp nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Sơ cứu ngộ độc thực phẩm
Khi có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, Giáo sư Trạch nhấn mạnh biến pháp đầu tiên đó là gây nôn. Việc gây nôn giúp hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài.
Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.Hoặc dùng bán chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi.
Khi đó, nếu người bệnh nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Chú ý, khi tiến hành gây nôn cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc. Với trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, người bệnh hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Sau khi, nôn và đi ngoài nhiều, cần cho người bệnh uống thật nhiều nước và bù nước càng nhiều càng tốt. Vì quá trình nôn và tiêu chảy gây mất nước có thể uống nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang, nước cơm để bù nước cho người bệnh.
GS Nguyễn Khánh Trạch
Sau khi sơ cứu ban đầu, cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế. Giáo sư Trạch cho biết dù nôn hay tiêu chảy thì bệnh nhân vẫn nguy hiểm. Giáo sư Trạch đã gặp bệnh nhân gây nôn, tiêu chảy xong và tự bù dịch thì đến đêm bệnh nhân sốt cao vào viện chất độc đã đi vào các cơ quan khác. Chính vì thế cần nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế.
Việc sử dụng orezol rất tốt nhưng theo giáo sư Trạch khi cho người bệnh uống cần đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... nếu hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 ml vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Dung dịch được pha ra nên uống trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn, bởi, dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh.
Tuyệt đối không chia nhỏ gói oresol rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha, không đun sôi, hâm nóng dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu. Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, nên pha oresol với nước đun sôi để nguội.