Căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người coi thường
Bà Phạm Thị Thoan – 57 tuổi, trú tại Thái Thuỵ, Thái Bình đến tái khám tại Bệnh viện K trung ương sau khi đã cắt 2/3 dạ dày.
Bà Thoan kể, bà bị ung thư biểu mô tuyến dạ dày giai đoạn 2. Trước đó, bà Thoan bị đau dạ dày mãn tính hơn 20 năm nay và mỗi lần đến đợt đau bà lại uống thuốc hoặc nghỉ ngơi chứ không chữa triệt để.
Viêm dạ dày mãn tính hành hạ nhiều người
Tháng 3 vừa qua, bà Thoan thấy đau thượng vị, chán ăn. Biết là căn bệnh viêm dạ dày quen thuộc nên bà chủ quan không đi khám ở bệnh viện mà mua thuốc nam và uống mật ong về uống. Khi đau quá bà mới đến bệnh viện, bác sĩ khám và nội soi kết quả là ung thư biểu mô dạ dày phần hang vị và bác sĩ có chỉ định cắt 2/3 dạ dày.
Sau cắt dạ dày, bà Thoan truyền được 3 đợt hoá chất sau đó sức khoẻ yếu nên bà về nhà nghỉ ngơi và lần này bà lên bệnh viện khám để thực hiện tiếp phác đồ điều trị khác.
Không giống bà Thoan, trường hợp anh Trần Văn Hà 32 tuổi, trú Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội bị viêm loét dạ dày mà không biết. Anh Hà trước đó không biết mình bị viêm dạ dày chỉ đến khi đau bụng, đi ngoài phân đen anh đi kiểm tra sức khoẻ bác sĩ cho biết anh bị xuất huyết dạ dày kèm theo vết loét trong hang vị dạ dày.
Anh Hà kể thời gian 2 năm nay anh ăn uống thất thường kèm theo áp lực công việc. Trước đây bụng dạ anh rất tốt nhưng gần đây anh thấy hay lâm lẩm đau bụng, khó chịu dẫn đến mất ngủ, sụt cân.
Anh đi khám thì là viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp). Cảm giác của anh Hà lúc nào cũng đau no cũng đau, đói cũng đau.
Theo GS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, viêm dạ dày là bệnh lý phổ biến, chiếm khoảng 31% - 65% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa trên, trong đó tỷ lệ nhiễm HP chiếm 63- 94,8%.
GS Trạch cho biết, đây là căn bệnh nhiều người mắc nhưng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều người đến viện khi đã xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm bệnh nhân mới đi khám, một số trường hợp thì khám hay bỏ dở trong quá trình điều trị khiến bệnh không khỏi hẳn cứ lai rai thành mãn tính.
GS Trạch nhấn mạnh, viêm dạ dày nếu không được chữa trị kịp thời và khắc phục nguyên nhân triệt để, bệnh sẽ thường xuyên tái phát và gây ra những biến chứng khó lường như loét hang vị dạ dày, hẹp môn vị, chảy máu dạ dày… và nguy hiểm nhất chính là ung thư dạ dày.
Các triệu chứng của bệnh viêm hang vị dạ dày thường là điển hình cho các bệnh lý khác ở dạ dày. Người bệnh có thể cảm thấy đau tức, đau âm ỉ ở vùng thượng vị.
Cơn đau tăng dần nếu bệnh nhân ăn uống thất thường, khi quá no hoặc quá đói, đặc biệt đau dữ dội hơn khi người bị viêm hang vị dạ dày sử dụng các các chất gây kích thích niêm mạc dạ dày như bia rượu, trà, cà phê, đồ ăn chua, cay, nóng.
6 thói quen ăn uống dễ gây đau dạ dày
6 thói quen xấu gây triệu chứng tiền ung thư dạ dày
Nói đến viêm dạ dày, GS Đào Văn Long – Nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày – hành tá tràng thì rất nhiều, nhưng có thể tổng kết lại trong một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất: Ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng thói quen này khá phổ biến đặc biệt là giới trẻ.
Thứ hai: Ăn nhiều chất béo các loại thực phẩm chiên, rán, nướng thiếu đốt dạ dày rất nhanh.
Thứ ba: Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài
Thứ tư: Uống nhiều rượu, nghiện thuốc lá. Nói tới bia rượu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ bia rượu cao vào top đầu thế giới. Rượu bia không chỉ gây bệnh cho gan mà cũng "bóp chết" dạ dày của mỗi người.
Thứ năm: Ăn vội vàng, nhai không kỹ là thói quen của mỗi người và theo GS Long thói quen này nên sửa dần để không khiến dạ dày vất vả.
Thứ sáu: Rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên: ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu. Đây là thói quen khó bỏ trong cuộc sống công nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, Giáo sư Long cho biết nguyên nhân nữa gây viêm loét dạ dày mãn tính đó là do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm dạ dày và các biến chứng loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, Giáo sư Long cũng lưu ý không phải cứ mang vi khuẩn HP là phải điều trị. Ước tính 70% dân số mang vỉ khuẩn HP nhưng không phải tất cả đều cần điều trị; chỉ khi nào có các triệu chứng đau bụng, ợ hơi… mới cần đi khám, bác sĩ tư vấn điều trị.
Vi khuẩn này lây qua đường miệng - miệng, nghĩa là có trẻ bị nhiễm khi ăn uống, sinh hoạt cùng với người nhiễm HP. Ngoài ra, vi khuẩn theo đường môi trường do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn.