Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lên tiếng về "hóa đơn ma chay"

Thùy Linh |

Đến nay, sau hơn 5 tháng xảy ra sự cố chạy thận khiến 8 nạn nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, gia đình các nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ phía bệnh viện vì lý do hết sức vô lý, đó là gia đình không thể xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay cho nạn nhân.

Lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay, trong khi các gia đình nạn nhân đa phần là đồng bào dân tộc, ở tận trong bản, việc xin được hóa đơn tài chính ma chay là điều khó có thể xảy ra.

Sáng ngày 14.10, trao đổi với phóng viên Lao Động về sự việc này, ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình tạm thời kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết:

"Hiện tại, cả 8 gia đình có người thân thiệt mạng và 10 gia đình có người thân bị ảnh hưởng trong vụ đó đều không tìm thấy sự đồng thuận với bệnh viện nên chúng tôi đang gặp khó khăn.

3 cuộc đàm phán rồi, nhưng chứng từ để quyết toán theo quy định về quản lý nhà nước về mặt hành chính lại không có, vì thế rất khó để giải quyết được.

Không có giấy tờ, hóa đơn đỏ, bệnh viện không quyết toán được".

Ông Hoàng cho biết: "Bao giờ chúng tôi cũng muốn hướng tốt nhất cho các gia đình, hơn nữa việc này lại liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, chứ không chỉ bệnh viện.

Vụ án cũng được khởi tố điều tra, các tổ chức cá nhân liên quan đều có trách nhiệm, về trách nhiệm dân sự, bệnh viện đã có nhiều cuộc đàm phán với các gia đình, tuy nhiên, hai bên chưa đạt được kết quả vì trong một cơ quan nhà nước, đòi hỏi các chứng từ để quyết toán.

Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cũng chưa có một văn bản nào hướng dẫn, trả lời về việc này. Nếu không có hóa đơn đỏ, không thể thanh toán được. Tôi cũng nói rồi, tang lễ làm sao mà có hóa đơn đỏ được, nếu cứ bắt buộc phải đúng thủ tục thì không thể làm được".

"Vì thế, trước mắt, trong lúc khó khăn này, chúng tôi hỗ trợ 50 triệu cho mỗi gia đình. Sau đó, Tòa án xem xét, giải quyết, ra quyết định bệnh viện phải chịu trách nhiệm như thế nào thì bệnh viện sẽ nghiêm chỉnh chấp hành.

Các tổ chức cá nhân khác cũng phải có trách nhiệm với gia đình các nạn nhân. Bệnh viện rất muốn giải quyết sớm để sự việc nhanh chóng kết thúc, còn tập trung vào nhiều nhiệm vụ khác nữa" - ông Hoàng nói.

Trước đó, ngày 29.5, tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xảy ra sự cố tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong, 10 người được chuyển về Hà Nội điều trị và sức khỏe đã hồi phục. Sau khi xảy ra tai biến 1 ngày, cơ quan Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại