Giải mã những khái niệm "lạ" trong báo cáo dài kỷ lục của ông Tập Cận Bình

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Báo cáo chính trị dài hơn 30.000 từ của ông Tập Cận Bình trước Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra những luận điểm đáng lưu ý.

Báo cáo của ông Tập Cận Bình có 13 Phần, phần lớn trong đó.là tập hợp những phát biểu, luận điểm trước đây của ông.

"Ngũ lập nhất thể" và "4 toàn diện"

Hai khái niệm này được ông Tập đề cập trong Phần 1 báo cáo trước Đại hội 19 hôm 18/10 vừa qua.

“Ngũ lập nhất thể” bao gồm: Xây dựng kinh tế; Xây dựng chính trị; Xây dựng văn hóa; Xây dựng xã hội; Xây dựng văn minh môi trường.Năm công cuộc xây dựng này cấu thành một thể thống nhất.

Ngày 17/11/2012, trong buổi Học tập tập thể lần thứ nhất của Bộ chính trị ĐCSTQ khóa 18, ông Tập đã đưa ra luận điểm này và đề xuất đưa vào tổng thể trong lộ trình "xây dựng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc".

"4 toàn diện" là một cụm từ phổ biến hơn ở Trung Quốc, thể hiện quan điểm quản lý mà Tập Cận Bình theo đuổi, gồm: Toàn diện xây dựng thành công xã hội khá giả; Toàn diện đi sâu cải cách; Toàn diện dựa vào pháp trị để quản lý quốc gia; Toàn diện quản lý đảng nghiêm minh.

Báo chí Trung Quốc cho biết tháng 12/2014 khi tiến hành kiểm tra công tác ở tỉnh Giang Tô, ông lần đầu tiên đã nhắc tới “4 toàn diện”. Khái niệm này sau đó lập tức được đẩy mạnh.

Phát biểu trong Lễ khai mạc lớp học tập chuyên đề quán triệt tinh thần Hội nghị trung ương 4 khóa 18 về trị nước theo pháp luật dành cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh thành vào năm 2015, lần đầu tiên ông Tập trình bày tương đối toàn diện về "Mối quan hệ logic của Bố cục chiến lược 4 toàn diện".

Ngày 26/2/2015, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - đăng bài toàn văn về "4 toàn diện" dài khoảng 2.000 chữ, và đây được xem chính thức trở thành "đường lối" của ông Tập Cận Bình.

"Đây là Bố cục chiến lược và là Cương lĩnh chính trị chỉ đạo cho xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới," Nhân dân Nhật báo viết.

Đến nay, "4 toàn diện" đã được đưa vào báo cáo công tác tại Đại hội 19 vì đây là phương châm phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn tới.

Giải mã những khái niệm lạ trong báo cáo dài kỷ lục của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Trung Quốc trên hàng ghế Đoàn chủ tịch tại lễ khai mạc Đại hội 19 của ĐCSTQ ngày 18/10 (Ảnh: Xinhua)

"3 nghiêm 3 thực"

Báo cáo của ông Tập ngày 18/10 có một phần tổng kết "Toàn diện trị đảng nghiêm minh đã đạt được thành quả rõ rệt". Trong đó, ông đề cập khái niệm "3 nghiêm 3 thực".

"3 nghiêm" gồm Nghiêm khắc tu thân, Nghiêm khắc sử dụng quyền lực, Nghiêm khắc khép mình vào kỉ luật. "3 thực" là Làm việc thực sự, Sáng tạo thực sự, Làm người thực sự.

Luận thuyết trên được Tập Cận Bình đưa ra ngày 9/3/2014, khi ông tham gia thảo luận tổ của đoàn đại biểu tỉnh An Huy trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Đến ngày 10/4/2015, Văn phòng trung ương ĐCSTQ ra chỉ thị cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên học tập "3 nghiêm 3 thực".

Sau Đại hội 19, khái niệm này được cho là sẽ trở thành tiêu chuẩn để ông Tập thúc đẩy chương trình siết chặt kỷ luật trong đảng, nhằm hiện thực hóa nội dung "trị đảng nghiêm minh toàn diện" được đề ra trong "4 toàn diện".

"4 ý thức lớn"

Bênh cạnh "3 nghiêm 3 thực", "4 ý thức lớn" là nguyên tắc khác được đề ra để tăng cường kỷ luật và sự nhất trí trong ĐCSTQ.

Cũng xuất hiện trong báo cáo chính trị của ông Tập, cụm từ này đề cập đến "Ý thức chính trị, Ý thức đại cục, Ý thức hạt nhân, Ý thức thống nhất".

Ngày 11/12/2015, phát biểu tại Trường đảng trung ương Trung Quốc, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra yêu cầu này đối với việc đào tạo cán bộ lãnh đạo và đảng viên. Tiếp đó, ngày 27/1/2016, tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài phân tích về “4 ý thức lớn”, trong đó nhấn mạnh “Ý thức hạt nhân là quan trọng nhất”.

Bài báo này được tất cả các báo Trung Quốc đăng lại, Đến Hội nghị toàn thể trung ương 6 khóa 18 của ĐCSTQ, ông Tập chính thức xác lập “Hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình” bằng nghị quyết của Hội nghị.

Ngày 29/1/2017, Bộ chính trị Trung Quốc triệu tập cuộc họp do ông Tập chủ trì, trong đó yêu cầu đảng viên, quan chức phải quán triệt "4 ý thức lớn" nhằm "nâng cao tính Đảng thời gian tới".

"4 ý thức lớn" được đưa vào Báo cáo Đại hội 19 cũng là phương châm nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong ĐCSTQ thời gian tới.

Giải mã những khái niệm lạ trong báo cáo dài kỷ lục của ông Tập Cận Bình - Ảnh 2.

(Ảnh: Xinhua)

"4 vĩ đại"

Cụm từ "4 vĩ đại" cũng được dư luận Trung Quốc và các nước đánh giá là một điểm nhấn trong báo cáo chính trị của ông Tập Cận Bình. "4 vĩ đại" bao gồm: Đấu tranh vĩ đại, Công trình vĩ đại, Sự nghiệp vĩ đại, Giấc mộng vĩ đại.

Ngày 29/11/2012, vài tuần sau khi được bầu làm Tổng bí thư ĐCSTQ, khi thăm quan Triển lãm “Con đường phục hưng” tại Viện bảo tàng quốc gia, ông Tập nêu ra “Giấc mộng phục hưng Trung Quốc”, coi việc hiện thức hóa nó là "Giấc mộng vĩ đại nhất trong lịch sử cận đại của dân tộc Trung Hoa".

Thời gian gần đây, các tờ báo và tạp chí của ĐCSTQ mới quảng bá cho khái niệm "4 vĩ đại" và được đưa vào Báo cáo Đại hội 19. Đây là hình ảnh cụ thể hóa của mục tiêu "Giấc mộng Trung Hoa" và là cơ sở để Trung Quốc đặt mục tiêu lâu dài tới năm 2050, nhằm thực hiện "hai mục tiêu 100 năm".

Bên cạnh "đấu tranh vĩ đại" thể hiện mục tiêu hóa giải các vấn đề trong và ngoài nước, Trung Quốc còn đưa ra 60 dự án lớn với hơn 320 hạng mục các loại trong xây dựng kinh tế, để thực hiện “Giấc mộng Trung Quốc”.

"4 tự tin", "7 xác định" và "14 kiên trì"

Trong báo cáo ngày 18, ông Tập Cận Bình nêu ra “4 tự tin”, gồm: Tự tin vào Đường lối, Tự tin vào Lý luận, Tự tin vào Chế độ, Tự tin vào Văn hóa.

Cách đây 5 năm, Đại hội toàn quốc khóa 18 của ĐCSTQ, họp tháng 11/2012, đã đưa ra khái niệm "3 tự tin". Trongdiễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập ĐCSTQ,cChủ tịch Tập Cận Bình thêm vào “Tự tin thứ 4” là “Tự tin vào Văn hóa”.

Trong Phần 2 của Báo cáo công tác Đại hội 19, ông Tập nhấn mạnh "7 điều xác định". Đó là: Xác định rõ mâu thuẫn cả chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới; Xác định rõ bố cục tổng thể; Xác định rõ mục tiêu chung của đi sâu cải cách toàn diện; Xác định rõ mục tiêu chung của đẩy mạnh toàn diện pháp trị; Xác định rõ mục tiêu xây dựng quân đội hùng mạnh của đảng thời kỳ mới; Xác định rõ việc xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới trong ngoại giao nước lớn mang màu sắc Trng Quốc; Xác định rõ đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Giải mã những khái niệm lạ trong báo cáo dài kỷ lục của ông Tập Cận Bình - Ảnh 3.

"14 kiên trì" là khái niệm cũng được nêu trong Phần 2 báo cáo của ông Tập tại Đại hội, thể hiện yêu cầu đối với cán bộ đảng viên về “Tư tưởng XHCN mang màu sắc Trung Quốc”, gồm: Kiên trì sự lãnh đạo của đảng; Kiên trì lấy nhân dân làm Trung tâm; Kiên trì đi sâu cải cách toàn diện; Kiên trì phát triển tư duy mới; Kiên trì lấy nhân dân làm chủ nhà nước; Kiên trì pháp trị toàn diện; Kiên trì hệ thống giá trị hạt nhân của chủ nghĩa xã hội; Kiên trì phát triển nâng cao đảm bảo và cải thiện đời sống nhân dân; Kiên trì đời sống hài hòa với môi trường sinh thái; Kiên quan điểm an ninh quốc gia tổng thể; Kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội; Kiên trì chính sách "một quốc gia hai chế độ" và đẩy mạnh thống nhất đất nước; Kiên trì thúc đẩy xây dựng khối cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; Kiên trì trị đảng nghiêm minh toàn diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại