Học giả Mỹ phân tích "chuyến đi bão táp" của ông Trump đến các nước APEC ở châu Á tháng 11

Ngọc Anh |

Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 tới đây sẽ gặp phải những vấn đề gì và vì sao ông Trump nên đến Hà Nội?

Tiến sĩ Patrick M. Cronin, chuyên gia tư vấn cao cấp kiêm Giám đốc của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu New America Security (CNAS), có bài viết trên tờ Straits Times phân tích những thách thức mà ông Trump gặp phải khi tới châu Á vào tháng 11 tới.

Theo Cronin, chuyến thăm châu Á có tính chất lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 tới sẽ có một tác động lâu dài tới tình hình thế giới, nhưng ông Trump sẽ phải đối mặt với ba thực tế khắc nghiệt.

Nói chuyến đi này của ông Trump tới châu Á có ý nghĩa lịch sử là vì nó là sự kết hợp của những kỳ vọng thấp và tiềm năng ảnh hưởng cao.

Vị tổng thống Mỹ sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, đánh dấu một thời điểm quyết định trong chương tiếp theo của quan hệ Mỹ- châu Á.

Cronin nhận định, việc ông Trump thăm châu Á sau thời điểm Trung Quốc tổ chức Đại hội ĐCS lần thứ 19 là một điều thuận lợi hơn so với việc ông đến trước khi khai mạc đại hội.

Vào ngày hôm nay 23/10, ông Trump cũng tiếp đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Washington. Được tham vấn ông Lý Hiển Long trước chuyến đi châu Á sắp tới cũng là một điều khá hữu ích đối với ông Trump.

Tuy nhiên, thực hiện một chuyến công du tới 5 nước châu Á trong thời điểm Mỹ không còn thực hiện chính sách xoay trục sang khu vực này như trước, ông Trump phải đối mặt với ba thách thức khắc nghiệt trên mỗi điểm dừng trong hành trình.

Hoài nghi về vai trò của Mỹ

Ở Đông Bắc Á, ông Trump sẽ thấy có một sự hoài nghi nghiêm trọng đang tồn tại ở đây về vai trò lãnh đạo đáng tin cậy của Mỹ ở khu vực, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt.

Không ai muốn thấy Bình Nhưỡng sử dụng những tên lửa mang bom H của họ. Một cuộc xung đột thảm khốc là ác mộng với tất cả các bên.

Những từ ngữ mà ông Trump chọn sử dụng trong chuyến thăm này sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn của châu Á về Mỹ trong vai trò là người đảm bảo an ninh. Mỹ từ lâu đã được coi là một bên giúp cân bằng khu vực, nhưng hiện nay quyền lực và ý chí chính trị của Mỹ ở khu vực này đang bị đặt dấu hỏi.

Washington tới nay đã thể hiện ra là họ tập trung vào một chính sách gây áp lực tối đa với Triều Tiên và giảm thiểu các nỗ lực ngoại giao.

Đến Hàn Quốc, nếu ông Trump đi thăm khu Phi Quân sự (DMZ) thì hành động này có thể bị so sánh với việc cựu tổng thống Ronald Reagan đi thăm bức tường Berlin cách đây 30 năm. Đây là hành động truyền tải cả quyết tâm và trí tưởng tượng. Ông Trump phải thể hiện với khu vực rằng ý định của ông là biến căng thẳng thành cơ hội ngoại giao chứ không phải chiến tranh.

Học giả Mỹ phân tích chuyến đi bão táp của ông Trump đến các nước APEC ở châu Á tháng 11 - Ảnh 1.

Ông Trump sẽ phải thể hiện được vai trò của Mỹ khi đến bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP

Tiến sĩ Cronin cho rằng nếu Mỹ không thể thuyết phục Châu Á đi theo con đường của mình trong việc đối phó với ông Kim Jong Un, tình hình ở khu vực sẽ có lợi cho Trung Quốc và các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Điều này gây ra khó khăn thứ hai cho ông Trump trong chuyến đi châu Á sắp tới, đó là: Thay đổi thực trạng kinh tế của khu vực.

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc

Khi ông Trump tới Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, vấn đề trọng tâm sẽ là các nền kinh tế. Ở đây, ông Trump sẽ thấy rõ hơn ở mọi nơi khác sự thật rằng Trung Quốc đang được nhìn nhận như một đầu tàu của kinh tế thế giới.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây của tổ chức Pew, số người coi Bắc Kinh lãnh đạo kinh tế toàn cầu nhiều gấp đôi số người coi Washington là đầu tàu của kinh tế toàn cầu. Mỹ vẫn có thể vượt qua Trung Quốc về mặt "sức mạnh mềm", nhưng các dữ liệu cho thấy khoảng cách này đang ngày càng nhỏ đi một cách nhanh chóng.

Quan điểm cho rằng Trung Quốc chỉ đơn giản là nhà thầu, là công xưởng của thế giới, ví dụ như họ chỉ đơn giản xây dựng cơ sở hạ tầng cho sáng kiến Vành đai - Con đường, cần phải được xem xét lại.

Tuy nhiên, ông Trump phải chống lại sự cám dỗ trở thành người tiên phong trong những việc như vậy, ít nhất là cho tới khi ông làm rõ Mỹ sẽ có thể làm gì cho khu vực với một chương trình nghị sự đầy đủ, toàn diện trong nhiệm kỳ của mình.

Điều kiện tiên quyết là ông Trump phải tạo ra một tầm nhìn hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh ông đã nêu cao chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế và đã rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chỉ khi đó, ông Trump mới có cơ hội trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Học giả Cronin cũng nhận định rằng ông Trump nên đến thăm Hà Nội để có các cuộc đàm phán song phương với lãnh đạo Việt Nam khi ông dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng; và ông Trump không nên đóng hoàn toàn cánh cửa trở lại TPP của Mỹ.

Học giả Mỹ phân tích chuyến đi bão táp của ông Trump đến các nước APEC ở châu Á tháng 11 - Ảnh 2.

APEC 2017 là nơi ông Trump phải đưa ra được tầm nhìn thực sự hấp dẫn sau khi đã rời khỏi TPP. Ảnh: Getty

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ hiện vẫn giữ được vô số đòn bẩy để hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế của châu Á. Trong khi đó, lời kêu gọi của Tổng thống Trump về các thỏa thuận thương mại, đầu tư song phương công bằng có thể làm nổi bật những tiêu chuẩn cao và tính minh bạch mà Washington đang theo đuổi để giúp củng cố một khu vực Ấn Độ Dương tự do và cởi mở.

Những thách thức toàn cầu

Thực tế khắc nghiệt thứ ba, liên quan đến những thách thức toàn cầu, sẽ trở nên rõ ràng khi ông Trump cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các nhà lãnh đạo khu vực khác tham dự sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN tại Manila.

Các nhà lãnh đạo những quốc gia châu Á mới nổi đều có niềm tự hào riêng và họ có những khuôn khổ chính trị và văn hoá của riêng họ, cũng giống như ông Trump.

Việc hỗ trợ những nỗ lực đối phó với các thách thức toàn cầu như khủng bố, buôn bán ma túy và an ninh biên giới sẽ được thực hiện tốt nhất bằng cách hỗ trợ và xây dựng năng lực chứ không phải là sự phán xử và rút lui.

Mỹ vẫn có thể vừa dẫn dắt, vừa hợp tác, hướng các đồng minh và đối tác tới những mục tiêu của Washington trong các cơ chế hoạt động địa phương. Ví dụ, Mỹ hãy để Philipin xác định phạm vi mở rộng hoạt động chống khủng bố, và sau đó làm việc với Chủ tịch Asean năm tới [Singapore] để mở rộng và làm sâu sắc thêm sự hợp tác chống khủng bố đó.

Việc xử lý được bộ ba trở ngại gồm sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, sự hoài nghi về vai trò của Mỹ và thấy được các thách thức toàn cầu sẽ đòi hỏi một sự chuẩn bị rất cụ thể cho chuyến công du châu Á vào tháng 11 tới của ông Trump.

Điều quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của ông Trump sẽ là thấu hiểu thách thức này. Lời kêu gọi của ông Trump về việc Mỹ xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do mở ra một tham vọng mới trong lịch sử.

Nhà Trắng hiểu cần có sự liên tục ở mức độ cao trong chính sách của mình - những chính sách tập trung vào thương mại, hải phận và cân bằng quyền lực hoạt động trong khuôn khổ luật pháp.

Trong khoảng thời gian công du 12 ngày của ông Trump, có thể một kết quả tức thì sẽ không xuất hiện. Nhưng các tác động của chuyến thăm sẽ kéo dài. Việc đưa ra các bài phát biểu mạnh mẽ ở Seoul, Đà Nẵng hay Manila sẽ không quan trọng bằng việc tiếp thực hiện chúng sau đó, và Mỹ không thể làm điều này một mình.

Thành công của chuyến công du sẽ phụ thuộc vào việc củng cố các ưu tiên mới của Mỹ, tăng cường chính sách đa phương và khai thác được mạng lưới các đối tác/đồng minh hiệu quả và có năng lực của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại