Trả lời báo chí bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 19/10, ông Lưu Sĩ Dư - Chủ tịch, Bí thư đảng ủy Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Trung Quốc - cáo buộc một số quan chức cấp cao có ý đồ thâu tóm quyền lực trong đảng.
Ông Lưu là một trong 2.280 đại biểu chính thức tham dự Đại hội 19, đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.
Trong các quan chức bị ông Lưu chỉ trích có cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc khóa 18, ông Tôn Chính Tài - người bị lập án điều tra do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" hồi tháng 7 vừa qua.
"[Chủ tịch Tập Cận Bình] đã xử lý các trường hợp của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Tôn Chính Tài," ông Lưu Sĩ Dư nói. "Các quan chức này từng có vị thế cao và quyền lực lớn trong đảng, nhưng họ lại suy đồi nghiêm trọng và âm mưu chiếm quyền lãnh đạo trong đảng và giành quyền lực của nhà nước."
Ông Lưu trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc cáo buộc Tôn Chính Tài về âm mưu thâu tóm quyền lực nội bộ. Ông Tôn đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và chuyển giao cho cơ quan tư pháp tiếp tục quá trình điều tra.
Ông Lưu Sĩ Dư (Ảnh: Xinhua)
Theo ông Lưu Sĩ Dư, ông Tập Cận Bình đã nỗ lực rất lớn trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua để chống lại tình trạng tham nhũng, vốn bị đánh giá là "gây nguy hại nghiêm trọng đến nền tảng lãnh đạo và khả năng quản lý của đảng".
"Đồng chí Tập Cận Bình, với sứ mệnh lịch sử của một nhà cách mạng vô sản... đã loại bỏ rủi ro to lớn đối với ĐCSTQ và đất nước," ông Lưu ca ngợi nhà lãnh đạo.
"Ban lãnh đạo trung ương của đảng, với Tổng bí thư Tập Cận Bình làm hạt nhân, đã giải cứu quân đội và giải cứu đất nước trong 5 năm qua."
Hồi năm 2016, ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) từng cảnh báo hiện tượng các quan chức tìm cách giành quyền lực.
"Nghiêm trọng hơn, một số [quan chức] thậm chí còn tìm cách chiếm lấy quyền lực trong đảng và nhà nước, có nhiều hành vi gây chia rẽ đảng và đe dọa nghiêm trọng đến ổn định chính trị của đất nước," tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - dẫn lời ông Vương nói tại một cuộc họp của CCDI.
Ông Vương cho biết trung ương đã xử lý các vụ việc của Chu, Bạc, Quách, Từ và Lệnh, nhằm cảnh báo và ngăn chặn những người mang tham vọng quyền lực trong đảng.
Cho đến nay, ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất từng bị kết tội tham nhũng trong lịch sử ĐCSTQ.
Một số mục tiêu trọng điểm của Trung Quốc sau Đại hội 19