Gia tăng bệnh nhân nhập viện sau Tết

Hà Minh |

Thời điểm giao mùa hiện nay là cao điểm của một số bệnh đường hô hấp, trong khi dịch COVID -19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Cùng đó, kì nghỉ tết kéo dài, nhiều người thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, ít vận động dẫn tới tăng cân, béo phì làm gia tăng các bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch...

Trong 3 ngày đầu tiên quay trở lại hoạt động sau kì nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã tiếp nhận gần 3.000 trường hợp đến khám bệnh, chủ yếu là tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gút, tiêu hóa, gan mật.

Bác sĩ Phí Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, việc ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất xơ, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt có ga… đã khiến một số bệnh có nguy cơ gia tăng sau tết. Cùng với đó, tết năm nay thời tiết thay đổi thất thường, nhiều đợt lạnh sâu, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm khiến người già, trẻ nhỏ và người có sẵn bệnh nền khó thích nghi dễ mắc các bệnh cấp tính về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, đột quỵ, bệnh lí tim mạch, cơ xương khớp...

Gia tăng bệnh nhân nhập viện sau Tết - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân cao tuổi đi khám sau Tết

Theo bác sĩ Hà Quốc Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), thời tiết giá rét dễ làm trầm trọng hơn các bệnh của người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền, bệnh mạn tính. “Trên cơ địa người già, các chức năng cơ quan, hệ miễn dịch đều suy giảm. Nhiều người có bệnh nền, đặc biệt là các bệnh lí về cơ xương khớp dễ tiến triển bệnh nặng hơn như viêm thấp khớp, thoái hóa khớp... gây đau đớn và giảm chất lượng sống của bệnh nhân”, bác sĩ Hùng lí giải.

Các bác sĩ khuyến cáo, để đề phòng các bệnh lí về đường hô hấp ở người cao tuổi trong mùa lạnh cần đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước và giữ ấm, vệ sinh mũi - họng, đánh răng hằng ngày, súc họng bằng nước muối ấm…

Cần thiết tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm

Bác sĩ Hà Quốc Hùng khuyến cáo, những bệnh nhân đang được điều trị về cơ xương khớp, loãng xương cần uống thuốc thường xuyên và hạn chế ra ngoài khi trời lạnh, giữ đủ ấm, ngủ trong môi trường không có gió lùa. Người cao tuổi nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nước ấm, uống đủ nước. Trong thời tiết giá lạnh chỉ nên tập thể dục trong nhà, không đi ra ngoài trời sớm.

“Người cao tuổi mắc bệnh về xương khớp nên chọn phương pháp tập luyện phù hợp, tránh những động tác ảnh hưởng xấu đến khớp. Chẳng hạn người mắc thoái hóa khớp như khớp gối nên hạn chế đi bộ mà có thể tập tại chỗ”, bác sĩ Hùng nói.

PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, cần tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, cũng như tiêm các vắc xin phòng bệnh hô hấp như tiêm vắc xin cúm hằng năm, vắc xin phế cầu mỗi 5 năm một lần.

“Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió nên cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài như tụ họp ngoài trời an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài. Đảm bảo khẩu trang che mũi, miệng và cằm”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại