Thông tin này được PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, công bố tại chương trình Đào tạo y khoa liên tục-Cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực hành diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ hôm 15-9.
Theo BS Thắng, quá trình lão hóa của cơ thể là quy luật sinh học và não bộ của con người cũng vậy. Quá trình lão hóa sẽ khiến các tế bào thần kinh chết dần theo độ tuổi ngày càng cao của con người. Tuy nhiên, tính toán của các nhà khoa học cho thấy, đột quỵ sẽ đẩy nhanh đến mức chóng mặt tốc độc lão hóa não bộ.
Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM công bố thông tin mới về đột quỵ
Chỉ với 1 lần đột quỵ, tổng số lượng tế bào thần kinh trong não bộ bị chết tương đương với quá trình lão hóa tự nhiên 36 năm. Điều này không quá khó để nhận biết khi trên thực tế, sau đột quỵ nhiều người sa sút trí nhớ, đi đứng khó khăn hoặc thậm chí nằm liệt giường... Đó là những biểu hiện của đa số người già, khi não bộ đã bị lão hóa.
Đột quỵ sẽ biến người trẻ thành người già. Tại Việt Nam, vì nhiều lý do, rất ít bệnh nhân đột quỵ gặp được bác sĩ điều trị trong khung giờ vàng.
Theo chuyên gia, tại TP HCM, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cả về mạng lưới điều trị đột quỵ lẫn thường thức y tế trong cộng đồng mà tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị trong khung giờ vàng chỉ 14%. Trong khung giờ vàng ấy, điều trị đột quỵ tốt nhất hiện nay là tái thông mạch máu não.
Tuy nhiên, theo chuyên gia ước tính, mới có 2% bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam được điều trị tái thông mạch máu não. 98% bệnh nhân đột quỵ còn lại chỉ được điều trị theo hướng bảo tồn, tức là cố gắng nhất có thể để giữ lại phần não bộ chưa bị tổn thương. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận các di chứng của đột quỵ, kể cả thiệt mạng.