Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại TPHCM và một số địa phương đang giảm, con số ở Hà Nội lại tăng nhanh. Ba tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận 2.000 ca mắc. Từ đầu năm 2023 đến ngày 24/9, thành phố ghi nhận 12.776 ca mắc với 3 trường hợp tử vong.
Tính đến nay, thành phố ghi nhận 870 ổ dịch, hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Tại 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời điểm hiện tại điều trị 157 ca SXH, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), số ca bệnh SXH chiếm 1/3 số bệnh nhân…
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca mắc SXH đến thăm khám cũng tăng. Cộng dồn đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị hơn 300 người mắc SXH, trong đó có một số trường hợp nặng. Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có nhiều ca nặng, trong đó có những bệnh nhân xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không cầm, hay bị cô đặc máu...
Các chuyên gia dịch tễ nhận định, thời tiết hiện nay mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-320C là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch , nhiều ca mắc, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Ngoài ra, hiện nay, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học cũng tạo điều kiện để lây lan dịch bệnh.
Bác sĩ, Th.S Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo: “Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc SXH Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.
Bệnh nhân nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà”.