Tín hiệu không thể nhầm lẫn từ ông Jerome Powell về việc cắt giảm lãi suất cho Trung Quốc nhiều cơ hội hơn để điều chỉnh chính sách tiền tệ của họ. Một chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn từ Mỹ sẽ giúp giảm áp lực đè lên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải vật lộn để giữ được đà tăng trưởng.
Trong số các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vài tháng qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thực hiện các mục tiêu nhằm giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân, vốn đóng góp nhiều cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu việc làm ở Trung Quốc.
Hannah Anderson, chiến lược gia thị trường toàn cầu của J.P. Morgan Asset Management, cho rằng: "Việc FED cắt giảm lãi suất đơn giản là có ý nghĩa giúp PBoC dễ thở hơn một chút để có thể nhìn lại xem các chính sách của họ có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế thực hay không".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với ít áp lực hơn để cho phép đồng nhân dân tệ mất giá, giúp duy trì mục tiêu giữ tỷ giá ổn định. Trong khi đó, giá Trái phiếu kho bạc có thể cao hơn nhằm tăng độ tin cậy.
Đồng USD của Mỹ đã giảm 0,4% sau tuyên bố của Chủ tịch FED Jerome Powell. Cùng ngày, đồng tệ được thiết lập mạnh hơn một chút so với đồng bạc xanh với 6.8677 tệ đổi 1 USD. Một số nhà phân tích cho rằng nếu FED cắt giảm lãi suất, Trung Quốc sẽ có động lực để thúc đẩy các hành động tương tự.
"Nếu FED cắt giảm lãi suất thì rất có thể PBoC sẽ làm theo. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất chuẩn gần như hoàn toàn là động thái mang tính biểu tượng chứ không ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp", Leland Miller, CEO của China Beige Book, cho biết. Đây là công ty đưa ra đánh giá hàng quý về nền kinh tế Trung Quốc dựa trên kết quả khảo sát của 3.300 doanh nghiệp Trung Quốc.
Một cuộc thăm dò ý kiến mà Reuters công bố hôm 10/7 cho thấy các nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giữ nguyên tỷ lệ lãi suất chuẩn trong năm nay đồng thời giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ của các ngân hàng trong nửa cuối của năm.
Trong khi nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng, Bắc Kinh cũng đã chuyển sang các công cụ tài khóa như cắt giảm thuế để thúc đẩy nền kinh tế trong vòng kích thích mới nhất. Tuy nhiên, Larry Hu, người phụ trách mảng kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, tỏ ra không hy vọng việc PBoC theo chân FED để cắt giảm lãi suất vì dữ liệu kinh tế chưa cho thấy sự chậm lại nghiêm trọng tới mức phải thay đổi chính sách vào lúc này.
"Ở Mỹ, việc cắt giảm lãi suất rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, việc kích thích hạ tầng và tài sản mới là những điều thực sự quan trọng", Hu nhấn mạnh.
Thay vào đó, Hu dự đoán các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đợi đến quý IV để cắt giảm lãi suất chuẩn hoặc thực hiện một hành động tương tư. Mức lãi suất cho vay 1 năm của Trung Quốc vẫn giữ nguyên kể từ năm 2015.
Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 29 năm qua là 6,2% trong năm nay. Bất ổn chiến tranh thương mại với Mỹ được cho là nguyên nhân.