Thương chiến gay cấn, TQ xoay vần chiến lược: Diều hâu Mỹ liên tiếp chạm trán các đối thủ sừng sỏ Bắc Kinh

An An |

Trung Quốc đang bổ sung nhiều nhân vật có kinh nghiệm đàm phán và lập trường vô cùng cứng rắn, được cho sẽ là những đối thủ sừng sỏ trên bàn đàm phán thương mại với Mỹ.

Vào ngày 9/7, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để trao đổi quan điểm về việc thực hiện sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được tại Osaka.

Truyền thông Trung Quốc tuy không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc điện đàm nhưng lại đưa ra một thông tin vô cùng thú vị đối với dư luận.

Cụ thể, hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 10/7 thông báo: "Tối 9/7, Ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc nhận điện đàm từ  Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để trao đổi quan điểm về việc thực hiện sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được tại Osaka. Bộ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Chung Sơn cùng tham gia điện đàm".

Như vậy, trong cuộc điện đàm mới nhất giữa hai phái đoàn thương mại Trung-Mỹ, Trung Quốc đã cử hai đại diện tham dự: Lưu Hạc - Chung Sơn.

Trước đây, các cuộc gọi tương tự đều được tiến thành theo mô hình 1-2, tức phía Trung Quốc là ông Lưu Hạc, trong khi phía Mỹ là hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin. 

Việc ông Chung Sơn tham gia cuộc gọi gần đây nhất dường như cho thấy rằng, mô hình này đang thay đổi và đằng sau có thể là sự thay đổi của cả đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc. 

Thương chiến gay cấn, TQ xoay vần chiến lược: Diều hâu Mỹ liên tiếp chạm trán các đối thủ sừng sỏ Bắc Kinh - Ảnh 1.

Đàm phán thương mại Trung-Mỹ được dự đoán sẽ bước vào giai đoạn chông gai trong thời gian tới. Ảnh: AP

Nâng cao vai trò trong đàm phán

Trước đây, những quan chức tham gia cuộc điện đàm cấp cao giữa hai phái đoàn đàm phán kinh tế thương mại Trung-Mỹ luôn là các ông Lưu Hạc, Robert Lighthizer và Steven Mnuchin. 

Mặc dù, ông Chung Sơn đã tham gia vào phái đoàn đàm phán song phương từ tháng 2 năm nay nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ đề cập đến việc ông tham gia vào các cuộc điện đàm. Do đó, với việc được đề cập cụ thể trong thông báo lần này cho thấy, ông Chung Sơn - vốn là quan chức có kinh nghiệm dày dặn trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế - được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo.

Ông Chung Sơn hiện là Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Trước khi được điều chuyển về Bắc Kinh và trở thành thành viên của Bộ Thương mạị, ông từng có thời gian dài công tác tại Chiết Giang - một trong những địa phương phát triển về thương mại đối ngoại của Trung Quốc. 

Tại đây, ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào thương mại xuất khẩu, Giám đốc Sở hợp tác kinh tế thương mại đối ngoại Chiết Giang, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách đối ngoại, có kinh nghiệm thực tế phong phú trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Điều này được cho là nền tảng vững chắc giúp ông được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng Bộ thương mại vào năm 2008 và sau đó trở thành Phó đại diện và Đại diện chính thức về đàm phán thương mại quốc tế Trung Quốc.

Kể từ tháng 2/2017, ông này trở thành Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Vào tháng 2 năm nay, ông đã tham dự lễ khai mạc hội thảo cấp cao kinh tế thương mại Trung-Mỹ với các quan chức như Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc Ninh Cát  Ninh Triết, Thứ trưởng Tài chính Liêu Mân, Thống đốc ngân hàng trung ương Dịch Cương. 

Ngoài ông Chung Sơn, thành viên nhóm đàm phán quốc tế còn có Thứ trưởng Vương Thụ Văn - phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu kiến thức chuyên về các vấn đề thương mại lớn của đoàn đàm phán Trung Quốc được cho có liên quan đến sự đổ vỡ của đàm phán thương mại Trung-Mỹ thời gian trước.

Giới quan sát nhận định, về mặt kỹ thuật của các cuộc đàm phán tương lai, các chuyên gia có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế sẽ có tiếng nói và quyền chủ động hơn. Sự tham gia của ông Chung Sơn vào cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và hai đại diện Mỹ mới đây có thể chứng minh xu hướng này.

Thương chiến gay cấn, TQ xoay vần chiến lược: Diều hâu Mỹ liên tiếp chạm trán các đối thủ sừng sỏ Bắc Kinh - Ảnh 2.

Ông Du Kiến Hoa - một trong những nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

TQ tăng cường sự chuyên nghiệp và cứng rắn

Gần đây, thái độ của Bắc Kinh đối với hiệp định thương mại Trung-Mỹ đã cứng rắn hơn rất nhiều so với trước đây. Ví dụ, vào ngày 4/7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng nếu Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận, thuế quan của Mỹ áp đặt lên Trung Quốc phải được hủy bỏ. Đây là tuyên bố vô cùng cứng rắn.

Điều này xuất phát từ thực tế là, từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gặp bế tắc vào tháng 5 năm nay, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các hành động, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn hơn, bao gồm danh sách thực thể không đáng tin cậy được mô phỏng theo danh sách các thực thể của Mỹ; thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, tăng 25% thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Điều này có nghĩa là nếu các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ được khởi động lại, các hạng mục cụ thể như danh sách các thực thể, ngừng cung cấp ​​công nghệ, hủy bỏ thuế quan và quyền sở hữu trí tuệ sẽ là mối quan tâm chính của hai nước.

Các chuyên gia cho rằng, xét từ phương diện kỹ thuật, ngoài nhu cầu tăng cường tính chuyên nghiệp của nhóm đàm phán cho các cuộc đàm phán tiếp theo, Bắc Kinh cần tăng cường các thành viên có lập trường và thái độ cứng rắn hơn. 

Trước đó, truyền thông từng đưa tin, Bắc Kinh đang dần triển khai "bậc thầy đàm phán" từ Bộ Thương mại vào đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ. Theo tờ The New York Times, ông này là nhà đàm phán Du Kiến Hoa, người có kinh nghiệm 28 năm đàm phán thương mại với các quan chức Mỹ và Tổ chức Thương mại Thế giới. 

Ông hiện là Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Thương mại Trung Quốc. Vào giữa tháng 4 vừa qua, trước khi các cuộc đàm phán Trung-Mỹ rơi vào bế tắc, ông đã trở về Bắc Kinh sau khi rời khỏi vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva.

Nhà đàm phán được mô tả là người "đáng sợ nhất". Theo James Green, cựu quan chức thương mại hàng đầu của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, ông Du Kiến Hoa là "một trong những quan chức thương mại Trung Quốc thông thái nhất mà Mỹ đã từng đối mặt".

Theo đánh giá, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thực sự bước vào giai đoạn khó khăn. Đối với lần chạy nước rút này, trước khi đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình trên bàn đàm phán. Điều này đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn đàm phán lớn mạnh nhất cũng như việc xác định lập trường cứng rắn về giới hạn đàm phán và tính linh hoạt trong các tình huống tham vấn.

Sự tăng cường của nhiều nhà đàm phán chuyên nghiệp Trung Quốc như Bộ trưởng Chung Sơn được cho sẽ tạo ra nhiều tia sáng trong các cuộc tham vấn kinh tế thương mại tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ. Những nhân vật thuộc phái diều hâu Mỹ như hai ông Robert Lighthizer và  Steven Mnuchin sẽ đối mặt với những đối thủ Trung Quốc cứng rắn và giàu kinh nghiệm hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại