Sáng 16/11, Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức họp báo giới thiệu về hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2.
Dược liệu đã được chứng minh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, dược liệu cũng trở thành thị trường kinh doanh "béo bở" cho những kẻ buôn bán dược liệu kém chất lượng, dược liệu "rác".
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, trước kia chúng ta hay nói tới "dược liệu rác" là những dược liệu đã qua chiết xuất, lấy hết 90% hoạt chất, chỉ còn lại phần bã. Sau đó, người bán "biến hóa" bằng cách trộn với một tỉ lệ nhất định dược liệu nguyên chất và bán ra thị trường. Tuy nhiên, cho tới nay, thông tin này vẫn chưa được kiểm nghiệm. Đối với dược liệu khi được sử dụng cần phải đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng mới được nhập vào Việt Nam.
Ông Thịnh khẳng định, trong những năm gần đây, chất lượng dược liệu của Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Chúng ta thường xuyên kiểm tra và giám sát phát hiện dược liệu kém chất lượng.
Ông Thịnh chia sẻ tại cuộc họp báo (Ảnh: PV)
Hiện nay, việc kiểm định chất lượng dược liệu được làm hàng năm. Theo số liệu thống kê, chất lượng dược liệu sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh luôn đảm bảo. Với các loại thuốc được đưa vào bệnh viện sử dụng sẽ phải thông qua đấu thầu, có nguồn gốc, chất lượng mới được sử dụng chữa bệnh. Chỉ có khoảng dưới 1% dược liệu trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế và thậm chí xuất khẩu dược liệu tới nhiều nước trên thế giới.
Dự kiến Việt Nam sẽ tham gia vào thị trường dược liệu toàn cầu với giá trị trên 200 tỷ đô la. Việc quy hoạch dược liệu đã được nhà nước quan tâm phát triển vùng dược liệu, hỗ trợ bà con vùng cao phát triển dược liệu.
"Hiện nay nước ta vẫn đang xuất khẩu một số cây dược liệu trọng tâm như: quế, hồi, sả, chanh, nghệ, gấc…", ông Thịnh nói.
Riêng nghệ, Việt Nam đang ký hợp đồng xuất khẩu với Nhật, Mỹ và đang không đủ sản lượng để xuất khẩu.
Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
"Hiện nay, với quế, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tinh dầu thô sang Trung Quốc và một số nước khác. Theo ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 200.000 ha quế. Vùng quế trồng quế lớn nhất của Việt Nam là tại Yên Bái. Bộ Y tế đang định hướng cho một số tỉnh có điều kiện thích hợp như Quảng Nam, Cao Bằng, Lào Cai tập trung phát triển cây quế", ông Thịnh nói.
Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU.
Ông Thịnh cho biết để khai thác hết tiềm năng của cây dược liệu cần các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế, hội trợ nhằm tìm đối tác.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia.
Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 50.000 lượt khách tham quan, trong đó gồm nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, HTX, Hội Đông y các tỉnh; các lương y, bác sĩ bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối, thu mua dược liệu đến tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm…
Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho hay, năm 2019, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội chợ dược liệu và các sản phẩm của y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất. Hội chợ đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích hỗ trợ ưu đãi đầu tư phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.