Đừng bỏ con, mẹ ơi!

Minh Tiến |

Nhiều năm nay, sư thầy Thích Đàm Thảo (trụ trì chùa Thái ân, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) một mình nuôi đến 6 đứa trẻ. Các cháu đều bị bố mẹ bỏ rơi, “gửi” tại cửa chùa khi chỉ 1-2 ngày tuổi. Dù được sư thầy dốc lòng nuôi nấng, chăm bẵm, song những thiếu hụt hơi ấm tình thương của cha mẹ các cháu thì khó mà bù đắp nổi…

1. Chúng tôi có mặt tại thôn Bùi Xá, xã Tam Hưng vào một ngày trời nắng như thiêu như đốt. Quãng đường chỉ dài khoảng 30km mà chúng tôi có cảm giác như vừa được đi “xông hơi” về, đầu cứ ong ong, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm.

Chùa Thái Ân nằm ở cuối cánh đồng của thôn. Bước qua cánh cổng tam quan, chúng tôi mới cảm thấy không khí dịu đi một chút. Mấy dãy nhà đều cửa khóa then cài.

Im ắng quá, chúng tôi lắng tai thì nghe thấy tiếng trẻ con đang nô đùa trong một căn phòng nhỏ. Ngoài cửa có một con chó nằm canh, chừng như không cho người lạ “đột nhập”.

Ngồi chờ một lát thì sư thầy Thích Đàm Thảo đi đâu về. Lúc bấy giờ các cháu mới được “sổ lồng”. Thấy người lạ nhưng mấy đứa trẻ đều xúm vào chào, rồi xin nước uống...

“Các cháu rất nghịch ngợm, nhà chùa thì neo người nên mỗi lần đi đâu tôi đều phải cho các cháu chơi ở trong phòng, kẻo ngã xuống ao xuống hồ thì khổ” - sư thầy phân trần.

Rồi thầy mời chúng tôi vào nhà trong uống nước. Biết chúng tôi có ý muốn viết bài về chùa, lúc đầu sư thầy không đồng ý.

Sau chúng tôi bày tỏ mong muốn tìm hiểu về những số phận bất hạnh đang được nhà chùa cưu mang, hy vọng những bạn trẻ sẽ nhận thức về trách nhiệm của bản thân, đừng để tình trạng sinh con ra mà bỏ đấy cho người khác nuôi.

Khi đó sư thầy mới trải lòng về công việc nhiều khó khăn, vất vả song cũng tràn đầy tâm đức, lòng từ bi nơi cửa Phật.

Một buổi sáng đầu tháng 8-2009, sư thầy Thích Đàm Thảo đang quét dọn ở sân chùa thì nghe tiếng khóc ngằn ngặt ở phía cổng. Ra đến nơi, thầy bàng hoàng khi thấy một bé gái người tím tái được bọc tã bị ai đó để lại.

Bế cháu lên, thầy mới phát hiện cháu còn nhỏ lắm, có lẽ chỉ khoảng 1-2 ngày tuổi thôi. Cháu còn chưa rụng rốn.

Trong bọc tã có một mảnh giấy bỏ lại cùng dòng chữ: “Tôi không có điều kiện chăm sóc, xin chùa làm phúc giúp cháu. Hẹn ngày trở lại đón”.

Thái Ân là chùa nghèo, nguồn kinh phí rất eo hẹp. Bản thân sư thầy cũng không có kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh, song thầy vẫn quyết tâm chăm sóc cháu.

Tháng đầu, sư thầy Đàm Thảo phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ đẻ ở Sơn Tây (Hà Nội). Thầy đưa cháu về quê nhà nhờ chăm sóc. Được một thời gian, sư thầy đón cháu về chùa.

Thầy luôn hy vọng bố mẹ cháu sớm nghĩ lại, sẽ đón cháu về nuôi.

Nhưng khi mà hy vọng đó chưa có tín hiệu gì khả quan thì sang năm 2011, nhà chùa lại tiếp tục cưu mang thêm một bé nữa.

Cháu bé được đặt trong thùng xốp cùng với một bình sữa đang bú dở. Thầy báo công an, cho cháu đi khám sức khỏe rồi nhận nuôi, đặt tên là Nguyễn Tuệ Tâm.

Tháng 3-2013 thêm một đứa trẻ nữa bị bỏ rơi tại chùa. Cháu được đặt tên là Nguyễn Tịnh Tâm. Cho đến đầu tháng 6-2013, bé trai sơ sinh thứ tư (Nguyễn Tâm Phúc) gia nhập cửa chùa.

Giữa tháng 7 thầy Thảo lại nhận thêm một trường hợp “vứt con” nữa là bé gái Thiện Tâm.

Sư thầy Đàm Thảo kể, tất cả 6 bé sơ sinh đều được phát hiện ở cửa chùa vào lúc đêm khuya hoặc sáng sớm.

Trong 6 cháu này, Tâm Phúc là đứa trẻ khiến nhà chùa vất vả nhất. Phúc được phát hiện trong một tình trạng có thể nói là “thập tử nhất sinh”.

“Khi bế cháu lên tôi thấy nhẹ bẫng. Sau mới biết là cháu bị sinh non, cân nặng chỉ khoảng 1,6kg.

Khi ấy cháu thở rất yếu, nếu không đưa đi chữa trị kịp thời thì tính mạng sẽ bị nguy hiểm” - sư thầy kể lại. Dù đang đêm khuya, thầy Thảo vẫn một mình bắt taxi đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Sau 23 ngày nằm trong lồng kính và thêm 9 ngày điều trị nội trú trong bệnh viện, Tâm Phúc may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, sức khỏe dần ổn định và được bác sĩ cho ra viện.

Nhưng về chùa chưa đầy một tháng thì bé lại phải nhập viện vì viêm phổi. Rồi liên tiếp 24 tháng sau đó hầu như tháng nào thầy Thảo cũng phải đưa bé đi viện.

2. Khi một đứa trẻ sinh ra, thường sẽ được bố mẹ (có thể là cả ông bà) thay nhau chăm bẵm. Chừng ấy người quay quanh đứa bé, nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi.

Nhưng sư thầy Đàm Thảo thì chỉ có một mình. Bởi vậy, không khó để hình dung những khó khăn vất vả mà sư thầy đã phải trải qua, để nuôi được 6 cháu lớn lên như bây giờ.

Tất cả các cháu sư thầy đều phải nuôi “bộ” (ăn sữa ngoài). Cũng do không được bú sữa mẹ nên sức đề kháng của các cháu với bệnh tật rất yếu.

Ba tháng tuổi, cháu Tâm Phúc cứ ăn vào lại nôn ra, điều trị khỏi thì lại đến mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa…

Cứ hễ thời tiết lạnh hoặc giở giời là y như rằng Tâm Phúc ho, lên cơn khó thở, co rút lồng ngực rất đáng thương

Cho đến thời điểm hiện tại, cháu được hơn 3 tuổi, đã ít bệnh hơn. Nhưng do di chứng của những căn bệnh từ bé mà giọng nói cháu rất yếu. Cố gắng lắm cổ họng mới bật ra được một câu.

Dịp giáp Tết Nguyên đán năm Quý Tị sư thầy đưa Tâm Phúc ra Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương khám, bệnh viện yêu cầu nhập viện điều trị nhưng do đã quá gần tết lại chưa có tiền nên đành đưa bé về điều trị ngoại trú.

Đến mùng 4 tết, bệnh tái phát, Tâm Phúc phải nhập viện mất 4 ngày nhưng về bệnh vẫn không khỏi.

May mắn thay đến mùng 9 tết thì có một nhóm từ thiện đến thăm chùa, thấy hoàn cảnh Tâm Phúc đáng thương nên một nhà hảo tâm đã quyết định tài trợ kinh phí cho bé điều trị tại Bệnh viện Việt - Pháp.

“Kinh phí điều trị ở đây rất đắt, cũng may có nhà hảo tâm giúp đỡ chứ thầy cũng không biết phải xoay xở thế nào. Được sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, cháu Tâm Phúc dần lành bệnh” - sư thầy Thích Đàm Thảo chia sẻ.

Để có tiền cưu mang các cháu, sư thầy đã phải nghĩ đủ mọi cách để tạo nguồn thu nhập ổn định. Thầy mượn mấy sào đất của xã, rồi trồng nhiều loại rau như rau ngót, rau dền, rau lang, rau bí...

Vì trồng theo phương pháp rau an toàn nên phải vài tháng mới có thu hoạch. Đến ngày thu hái, thầy gửi một số phật tử mang ra Hà Nội bán.

“Thỉnh thoảng chùa cũng nhận được sự giúp đỡ của một số cá nhân, tổ chức. Nhưng cũng chỉ một vài lần rồi thôi. Mà nuôi một đứa trẻ, ngoài bỉm sữa, cơm ăn nước uống hằng ngày thầy còn phải lo cả quần áo, tiền gửi trẻ...

Thầy đã phải vay mượn khắp nơi, lấy chỗ nọ đập chỗ kia. Thật muôn phần khó khăn thiếu thốn”.

Về vật chất thì như thế, thầy Thảo cũng rất ưu tư về mặt tinh thần đối với các cháu.

Sống dưới cửa chùa, mặc dù sư thầy hết sức tạo một không khí gia đình cho các cháu đỡ tủi thân song không thể nào giống một gia đình có đủ ông bà, bố mẹ, anh chị em...

Thầy tâm sự, có lẽ do hoàn cảnh thiếu thốn, thiệt thòi từ nhỏ mà các cháu khá thông minh và “già trước tuổi”. Thầy sức yếu, có hôm giặt một chậu đồ xong định mang đi phơi mà không bê nổi.

Thầy gọi Tâm Phúc mang cho thầy một cái chậu nữa, để thầy xẻ ra làm đôi. Mới có 3 tuổi, song Phúc đã biết gọi thêm chị Tịnh Tâm. Rồi hai chị em gắng sức khênh chậu quần áo cho thầy...

Lại có lần khác, thầy trên đường đưa Tuệ Tâm đi học, bất ngờ bé hỏi: “Thầy suy nghĩ gì mà nuôi con?”. Thày chỉ cười mà không biết nói thế nào. Vì không muốn nói ra cho bé biết nhận nuôi bé trong hoàn cảnh nào.

Lại một hôm đang ăn cơm, thầy hỏi bé: “Con suy nghĩ gì mà ở với thầy?”. Bé trả lời luôn: “Con nghĩ mình có duyên nên mới được ở chùa”. Sư thầy cảm động rơi nước mắt.

“Ở với thầy, các cháu chỉ được đáp ứng những yêu cầu tối thiểu: đói thì ăn, khát thì uống, đến giờ thì đi ngủ, ốm thì vào viện… và tình yêu thương của thầy.

Nhưng không gì bằng một mái ấm gia đình. Nhiều khi thấy các cháu lớn cứ quấn quýt những đôi vợ chồng đến chùa mà thầy đau lòng.

Thầy đọc được trong ánh mắt và cử chỉ của chúng niềm khao khát có cha mẹ, có hơi ấm gia đình” - thầy ứa nước mắt nói.

3. Thầy Thích Đàm Thảo kể, từ nhỏ thầy đã rất hay lên chùa, và dần dà cảm thấy mình có duyên với nhà Phật. Năm 16 tuổi thầy quyết định xuất gia và theo học Phật pháp.

Ban đầu gia đình ra sức ngăn cản nhưng rồi với sự kiên định của mình, thầy đã thuyết phục được cha mẹ, anh em đồng ý. Hơn 20 tuổi, thầy về chùa Thái Ân.

Việc thầy nhận nuôi các cháu bé bị bỏ rơi, gia đình thầy cũng rất ủng hộ.

Cũng theo thầy Thảo, trong thời gian qua đã có một số cặp vợ chồng hiếm muộn đến xin nhận các bé về nuôi nhưng nhà chùa không đồng ý.

“Nếu cho các con đi thì sẽ giải quyết được khó khăn lúc này cho nhà chùa, nhưng nếu một thời gian sau cha mẹ các bé đến đón con mà mình cho đi rồi thì biết ăn nói với họ ra sao?

Khi đó cha mẹ gần như không còn cơ hội gặp con, các con cũng không có cơ hội gặp lại cha mẹ đẻ của mình. Cửa chùa là cửa từ bi, nếu không thì người ta đã bỏ ở ngoài đường hay ở đâu đó chứ đâu cần mang đến cửa chùa.

Người ta gửi gắm mình rồi mà mình chối bỏ thì không thể thanh thản trong tâm được” - thầy tâm sự.

Với suy nghĩ ấy, mỗi lần có phật tử đến chùa, sư thầy đều thấp thỏm hy vọng rằng trong số đó sẽ có cha mẹ các bé đến nhận lại con mình.

Càng ngắm các cháu, chúng tôi càng thấy băn khoăn khi nghĩ về những người cha người mẹ nào đã bỏ các em lại đây, đúng vào thời điểm mà các bé cần họ nhất.

Không thể nào lấy hoàn cảnh kinh tế khó khăn để biện minh cho hành động bỏ rơi con. Đó chẳng qua là sự yếu đuối, hèn nhát của bản thân để phó thác trách nhiệm của mình cho người khác.

Trò chuyện với sư thầy, mấy đứa trẻ cứ luẩn quẩn xung quanh chúng tôi, chừng như rất muốn được chơi đùa, nói chuyện. Tôi ôm bé Tịnh Tâm vào lòng, khẽ xoa đầu cháu.

Bất ngờ bé vừa cười vừa hát véo von: “Đừng bỏ con mẹ ơi, đừng bỏ con bơ vơ một mình/ Đừng bỏ con mẹ ơi, hãy cho con được sinh ra đời/ Con nào có tội tình chi, mà sao không cho con bên mẹ...”. Nghe tiếng hát ngây thơ của bé, chúng tôi không ai cầm được nước mắt…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại