Business Insider trích lời của Rich Warner, tiến sĩ, cựu du học sinh tại Cuba, cho biết, hệ thống chăm sóc y tế của Cuba hưởng lợi từ lý tưởng chủ nghĩa xã hội cách mạng, coi việc tiếp cận chăm sóc y tế là quyền cơ bản của mọi công dân.
Hệ thống này tập trung chủ yếu vào việc giúp mọi người tiếp cận với thuốc, cung cấp các hình thức kiểm tra sức khỏe từ đơn giản nhất cho tới các phẫu thuật phức tạp nhất, và hoàn toàn miễn phí. Chăm sóc nha khoa, cung cấp thuốc và thậm chí là bác sĩ tới tận nhà khám chữa bệnh đều nằm trong hệ thống này.
Quốc đảo này cũng thường xuyên công bố các số liệu sức khỏe để hỗ trợ hệ thống y tế hoàn hảo của mình. Tỉ lệ tử vong sơ sinh là 4,2 trên 1.000 ca sinh nở; tuổi thọ khoảng 77 năm đối với nam và 81 năm đối với phụ nữ; và tỉ lệ bác sĩ/ bệnh nhân là 1/150 người, vượt rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Tổng thư ký Ban Ki-moon trong chuyến thăm tới Cuba đã khen ngợi sịch vụ y tế ở đây là “hình mẫu cho rất nhiều quốc gia”.
Làm được rất nhiều với gia tài rất nhỏ
Liệu đây chỉ là một hình thức truyền thông, quảng cáo của Cuba? Câu trả lời của tiến sỹ Rich Warner là hoàn toàn không. Ông đã có cơ hội làm sinh viên y khoa 7 năm ở Cuba, đã chứng kiến những ưu điểm vượt bậc của dịch vụ y tế tại đây.
“Là một công dân Mỹ, tôi luôn luôn ấn tượng với những gì người Cuba làm được chỉ với xuất phát điểm rất nhỏ. Sự chuyên nghiệp và khiêm tốn của họ được thể hiện rất rõ qua các nhân viên y tế và đây là điều không có gì phải bàn cãi”, ông nói.
Những người này mặc dù nhận được mức lương rất ít ỏi (khoảng 65 USD/ tháng) nhưng lại thường xuyên phải làm quá giờ bởi có hàng nghìn đồng nghiệp của họ từ các nước khác như Venezuela và Brazil tới Cuba để cùng tham gia các công việc y tế.
Thêm vào đó, đội ngũ nhân viên y tế ở đây còn không được tiếp cận với công nghệ chẩn đoán tiên tiến nhất hoặc phải chờ hàng tuần để các thiết bị cơ bản được chuyển tới bệnh viện nơi họ làm việc, thậm chí họ còn phải làm trong điều kiện thiếu điện, nước. Tuy nhiên, họ vẫn tìm được sức mạnh để vượt qua mọi rào cản trên và tạo ra một chất lượng dịch vụ rất đáng ghen tị.
Các bác sĩ ở Cuba thường được nói rằng trở thành bác sĩ ở đất nước này không phải là vì tiền mà là để giúp đỡ mọi người. Đó là điều đầu tiên ông Warner được dạy khi tới học tại trường y Cuba. Đây chính là vấn đề trọng tâm của hình mẫu y tế ở Cuba.
Chính phủ Cuba chi khoảng 300-400 USD/ người/ năm cho chi phí y tế, trả tiền bác sĩ 64 USD/ tháng nhưng thu lại khoảng 8 tỉ USD mỗi năm nhờ vào các hoạt động y tế ở nước ngoài.
Với việc ít bác sĩ và chuyên gia còn lại ở trong nước, hàng dài người xếp hàng tại các bệnh viện và trung tâm y tế phải chờ lâu hơn, các bác sĩ cũng phải làm việc với cường độ cao hơn. Đó là lý do tại sao Cuba đang đào tạo thêm nhiều nhân viên y tế trên khắp cả nước để lấp vào khoảng trống này.
Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế ở Cuba cũng cần phải nâng cấp để đáp ứng được với các công nghệ hiện đại. Với tất cả những khó khăn trên, Cuba xác định yếu tố trọng tâm để thành công chính là tiếp tục phát triển việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Quốc đảo này cũng trao hàng trăm học bổng cho các sinh viên nước ngoài hàng năm, gồm cả những người đến từ Mỹ. Những học bổng này thường được trao cho sinh viên trong các gia đình thu nhập thấp, không có khả năng đi học trường y bởi chi phí quá lớn.
Trường ĐH Y Mỹ Latin (Escuela Latinoamericana de Medicina) là một trong những trường y lớn nhất ở Tây bán cầu với hàng nghìn sinh viên từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Tiến sĩ Rich Warner cho hay đối với một người Mỹ như ông việc có cơ hội học tập miễn phí trong khi rất nhiều người bạn của mình phải gánh khoản nợ hàng nghìn USD vì học ĐH tại Mỹ là điều tuyệt vời.
“Đây là một hệ thống vì cộng đồng. Mặc dù vẫn còn những thiếu sót và thách thức cần phải đối mặt nhưng hệ thống y tế của Cuba hoàn toàn không phải là một công cụ tuyên truyền quyền lực mà đó là thực chất”, ông Warner khẳng định.