Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ có "tính bền vững cao, thân thiện với môi trường"

Hoàng Đan |

Theo bà Hoa, Bộ GTVT cho biết, sau các đợt kiểm tra thi công tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đối với các hạng mục đã thi công đều đáp ứng yêu cầu chất lượng đề ra.

Sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tổ đại biểu Quốc hội đã tiến hành tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ (Hà Nội).

Trình bày báo cáo, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Ba Đình, Tây Hồ, bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, ĐBQH cho biết, cử tri đã đề nghị xem xét về hiệu quả và chất lượng của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Về vấn đề này, theo bà Hoa, Bộ GTVT đã có ý kiến trả lời cụ thể. Theo đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được xác định là dự án giao thông đô thị huyết mạch ở phía Tây của thành phố Hà Nội.

"Việc triển khai đầu tư dự án này nhằm giúp giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị, tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, giảm thiểu chi phí hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Đến nay, theo kết quả rà soát, phân tích, đánh giá cho thấy dự án đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Đồng thời đây cũng là định hướng phát triển của các đô thị hiện đại có tính bền vững cao, thân thiện với môi trường", bà Hoa nói.

Về chất lượng của dự án, theo bà Hoa, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt được thi công giữa nội thành của thành phố Hà Nội.

Vì vậy, ngoài công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ, trong quá trình thi công, Bộ GTVT đã thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý đường sắt, Tư vấn giám sát, Tổng thầu và các đơn vị liên qua tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình,

Cùng với đó, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cho dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

"Theo báo cáo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sau các đợt kiểm tra thi công tại dự án, đối với các hạng mục đã thi công tại công trường đều đáp ứng yêu cầu chất lượng đề ra. Các kết quả thí nghiệm, kiểm tra tại hiện trường đều đạt yêu cầu", bà Hoa nhấn mạnh.

Trước đó, Việt Nam đã ký kết vay bổ sung với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông 250,62 triệu USD theo kế hoạch được thống nhất cách đây 3 năm trong khuôn khổ chuyến thăm Nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên dự án đã bị chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.

Sau đó, các cơ quan chức năng đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 868,04 triệu USD tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Hiện khối lượng xây lắp công trình, phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính. Nhà thầu đang triển khai thi công đường ray kết nối khu Depot và ray nhánh nội bộ đến các phân khu.

Tuy nhiên, phần nền đường, hàng rào, đường nội bộ, một số hạng mục và gói thiết bị phục vụ dự án đang chậm tiến độ. Đại diện Tổng thầu EPC, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cho biết, nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ là do thiếu vốn.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, từ tháng 10/2017 sẽ chạy thử từ 3 đến 6 tháng. Dự kiến, quý 2 năm 2018, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại