Dự án BOT Nhiệt điện: Bộ Tài chính lo sợ về điều khoản gây rủi ro 2 tỷ USD

N.Dương |

Không ít lần trong các văn bản góp ý được gửi đi, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo việc bỏ nội dung công thức thanh toán chấm dứt sớm theo Hợp đồng BOT các dự án nhà máy nhiệt điện.

Bộ Tài chính vừa qua đã có văn bản gửi Bộ Công thương, nêu ý kiến về một số nội dung chủ yếu trong hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án nhà máy nghiệt điện đầu tư theo hình thức BOT.

Các ý kiến này xoay xung quanh 4 vấn đề, bao gồm: ưu đãi về thuế, thế thấp quyền sử dụng đất, nội dung bảo lãnh Chính phủ và công thức thanh toán chấm dứt sớm. Cụ thể:

Đối với các ưu đãi thuế về xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương rà soát ưu đãi mức thuế này tại Hợp đồng bảo lãnh và Thoả thuận bảo lãnh của một số dự án nhà máy nhiệt điện hiện nay để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.

Về thế chấp quyền sử dụng đất, theo Bộ Tài chính, căn cứ vào Luật đất đai năm 2013, đối với các dự án dược nhà nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và được miễn tiền thuê đất thì không được quyền thế chấp quyền sử dụng đất mà chỉ được quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Về một số nội dung bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết hiện nay chưa có khuôn khổ pháp lý chung quy định về trách nhiệm, phạm vi bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án BOT.

Bộ tài chính có quan điểm việc thực hiện các hợp đồng thương mại là nghĩa vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Công ty BOT.

Do đó, các bên Việt Nam tham gia hợp đồng phải có trách nhiệm lựa chọn hình thức bảo lãnh thực hiện hợp đồng phù hợp, ví dụ qua các định chế tài chính. "Chính phủ không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này", văn bản Bộ Tài chính nêu rõ.

Đối với những dự án Chính phủ đã bảo lãnh một một số nghĩa vụ của EVN, PVN và TKV, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương, EVN, PVN và TKV rà soát định kỳ các rủi ro phát sinh trong việc thực hiện các cam kết cảu các đối tác phía Việt Nam có thể chuyển thành các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.

Trường hợp nghĩa vụ nợ dự phòng phát sinh, căn cứ từng trường hợp cụ thể, Bộ Công thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở ý kiến Quốc hội cho phép về việc cho phép xử lý nghĩa vụ phát sinh sẽ bố trí dự toán ngân sách để thực hiện.

Kiến nghị cuối cùng, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm đề nghị Thủ tướng bỏ nội dung công thức thanh toán chấm dứt sớm theo Hợp đồng BOT các dự án nhà máy nhiệt điện. Thực tế, trong các công văn tham gia ý kiến đối với Dự án Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3 hồi đầu năm 2018 hay trong công văn gửi Thủ tướng hồi tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã nêu quan điểm này.

Nguyên nhân, Bộ Tài chính cho rằng rất rủi ro cho Chính phủ khi Chính phủ phải thanh toán trên 2 tỷ USD/ dự án trong trường hợp dự án chấm dứt ngay sau ngày vận hành thương mại.

Hiện nay, trong kế hoạch trung hạn về dự toán ngân sách nhà nước chưa tính đến nghĩa vụ nợ tiềm tàng có thể chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng này của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại