Đột quỵ đang trẻ hóa

THANH MAI |

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ. Đáng lo ngại, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ 40 - 45 tuổi, thậm chí xuất hiện cả ở tuổi 20.

Đột quỵ đang trẻ hóa - Ảnh 1.

Tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng.

Nguy hiểm đột quỵ ở người trẻ tuổi

Theo BS Nguyễn Trọng Lưu - nguyên Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng (BV Trung ương Quân đội 108), thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm Việt Nam thêm khoảng 200.000 người đột quỵ mới. Trước đây, đột quỵ xếp thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong (sau ung thư, tim mạch), nay bệnh lý này đã vượt ung thư và giữ vị trí thứ hai. Đặc biệt, tuổi người đột quỵ còn có dấu hiệu ngày càng trẻ.

Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi). Tuy nhiên theo các báo cáo gần đây tại Việt Nam, có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng “béo phì văn phòng” làm gia tăng các vấn đề về bệnh lý tim mạch, là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý đến sức khỏe thông qua việc thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ (rung nhĩ, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu...) từ đó có những biện pháp chữa trị kịp thời.

Theo GS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (BV Bạch Mai), số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại trung tâm. Điều đáng lưu ý, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đột quỵ là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở Việt Nam (21,7%) với khoảng 200.000 trường hợp mỗi năm. Đặc biệt người có mắc các rối loạn về nhịp tim ví dụ như rung nhĩ hay tăng huyết áp sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Do đó, việc nhận biết và phòng ngừa đột quỵ góp phần không nhỏ trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như các biến chứng do đột quỵ gây ra.

80% người đột quỵ bị di chứng nặng

Thoát chết sau đột quỵ, 80% bệnh nhân phải chịu những di chứng với tổn thương nặng nề và 30% trong số họ không thể hồi phục. Theo BS Lưu, đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ và phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn.

BS Lưu cho biết, phục hồi chức năng sau đột quỵ được hình dung là giúp người bệnh học lại những động tác quen thuộc như một đứa trẻ, từ tập đi, nói, cầm nắm vật dụng... WHO chia quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ làm 4 giai đoạn. Sau giai đoạn tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm.

Giai đoạn 2 này diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng, là giai đoạn “vàng”, tuy nhiên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận sớm. Giai đoạn tiếp theo diễn ra 3-6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Theo BS Lưu, sau một năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi phục hồi không còn nhiều song có tập luyện vẫn tốt hơn.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân đột quỵ nên tranh thủ phục hồi chức năng trong một năm đầu, đặc biệt trong 6 tháng đầu. Việc xác định bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đánh giá tình trạng khuyết tật của người bệnh tại thời điểm đó, như các bài tập theo tầm vận động, tập thay đổi vị thế, tập kiểm soát thăng bằng, tập di chuyển...

Ngoài ra, các bài tập ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt nhằm giúp cho họ có khả năng giao tiếp, có thể tự độc lập trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp về sau.

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Những dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ gồm:

- Mặt có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch.

- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ. Biểu hiện này thường biểu hiện không rõ rệt nên rất khó nhận biết.

- Tê mỏi chân tay, cử động khó, khó cử động, tê liệt một bên cơ thể.

- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ.

- Khó phát âm, nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại