Đau lưng nhiều khi di chuyển
Anh Ngô Văn Đ (43 tuổi, Long Biên, Hà Nội) bị đau mỏi lưng nhiều, không thể nằm được ngửa nên đã đi khám.
Anh Đ cho hay, cách đây 4 năm (năm 2015), anh đã bắt đầu có dấu hiệu đau, mỏi lưng. Anh có uống thuốc để giảm đau, vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường.
Đến giữa năm 2018, anh thấy đau nặng hơn di chuyển khó khăn, lưng còng sụp xuống khiến anh không thể đứng thẳng lên được, không thể nằm ngửa được. Gia đình đưa đi khám thì phát hiện đốt sống L3-L4 của đã bị tiêu xương và dính liền với nhau khiến cho cột sống bị biến dạng.
Anh Đ, đã tới Bệnh viện Lao Trung ương thăm khám, tại đây anh được chẩn đoán bị lao cột sống, phải dùng thuốc điều trị lao trong 1 thời gian dài.
Bệnh nhân Đ, không thể đứng được thẳng.
Cuộc sống của anh Đ từ một người khỏe mạnh có thể làm tất cả mọi việc đã trở phụ thuộc vào người thân. Bởi vì, chỉ cần đi xa khoảng trên 10m là anh bị đau rút xuống 2 chân và tê bì mất cảm giác ở 2 chân.
Khi nằm ngủ, hễ cứ duỗi thẳng thân cơn đau tê buốt lại khiến anh nằm cong người lại rất khổ sở, không nằm úp nằm ngửa được, dần dần hình thành tư thế nằm cong để tránh cơn đau.
Qua tìm hiểu anh Đ đã tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tư vấn phẫu thuật để nắn chỉnh gù vẹo cột sống.
Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật ca mổ đã thành công cột sống của anh được nắn chỉnh về chiều cong như ban đầu, bệnh nhân tự co duỗi 2 chân tốt và lượng máu mất trong mổ gần như không đáng kể.
Bệnh nhân có thể đi lại được
Bác sĩ Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trường hợp của bệnh nhân Đ là một ca bệnh khó, nhưng với sự hỗ trợ của robot đã giúp cho cuộc mổ được tiến hành hết sức thuận lợi. Ngay ngày thứ 3 sau mổ, bệnh nhân gần như không còn cần dùng đến thuốc giảm đau.
Bệnh nhân đã tự đứng thẳng lưng như chưa từng bị gù cột sống và tự bước từng bước đi đầu tiên trên đôi chân của mình.
Theo bác sĩ Kiên phẫu thuật cột sống có sử dụng robot mang tới nhiều lợi ích tối ưu cho bệnh nhân. Cho phép các thao tác phẫu thuật được tiến hành 1 cách vô cùng chính xác; Định vị, xác định các vị trí chính xác để thực hiện bắt vít vào cột sống, hướng bắt vít, kích thước và chiều dài của vít…
Ngoài ra, đi kèm với robot còn có hệ thống cảnh báo thần kinh giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương các bộ phận thần kinh như tủy sống và các dây rễ thần kinh.
Nguyên nhân gây ra lao cột sống là do bệnh nhân bị vi trùng lao. Bệnh nhân mắc phải sẽ luôn có những biểu hiện về nhiễm trùng, nhiễm độc như: mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt về chiều.
Lao cột sống ở giai đoạn sớm của bệnh, triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ đốt sống bị tổn thương. Tới giai đoạn tiến triển cơn đau sẽ lan theo rễ thần kinh tương ứng, đau tăng khi đi lại, mang vác vật nặng, ho, hắt hơi… Bệnh nhân đau thường không đáp ứng thuốc giảm đau.
Bệnh nhân ở giai đoạn toàn phát đĩa đệm và cột sống sẽ bị phá hủy nặng thêm, đồng thời tạo thành ổ áp-xe lạnh quanh vùng bị tổn thương. Người bệnh sẽ bị đau liên tục hơn, cột sống có thể bị lệch vẹo và làm hạn chế vận động.
Người mắc lao cột sống sẽ được điều trị theo phác đồ của bệnh lao.
Theo báo cáo của WHO, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.