Đột ngột đau đầu, hoa mắt, người phụ nữ 38 tuổi đã không qua khỏi (Ảnh BVCC)
Tiên lượng xấu, gia đình xin về
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng mới tiếp nhận bệnh nhân nữ 38 tuổi, trú tại Hồng Trị, Bảo Lạc được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc trong tình trạng hôn mê sâu với chẩn đoán tai biến mạch máu não.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ thống nhất với chẩn đoán: Đột quỵ/Tăng huyết áp. Sau khi được hồi sức tích cực tình trạng bệnh nhân nặng, tiên lượng xấu nên gia đình đã xin đưa về.
Người nhà bệnh nhân cho biết, cách vào viện khoảng 30 phút bệnh nhân tự nhiên thấy đau đầu, hoa mắt, ngất, gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc và được chẩn đoán tai biến mạch máu não do tăng huyết áp.
Bệnh nhân chưa từng đi khám tại cơ sở y tế, không biết bị cao huyết áp dù bản thân đã thường xuyên biểu hiện đau đầu.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu cho biết, tai biến mạch máu não hay đột qụy não là bệnh cảnh gây ra bởi tình trạng thiếu máu nhu mô hoặc chảy máu trong não. Bệnh xảy ra đột ngột khi dòng máu cung cấp lên não bị ngưng trệ do vỡ mạch máu hoặc tắc mạch máu.
Đây là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam. Trong số đó, 2/3 số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, lứa tuổi trung bình bị đột quỵ thường trên 60.
Tuy nhiên hiện nay, số lượng và biểu hiện đột quỵ đang gia tăng ở giới trẻ. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cứ 10 người chết thì có gần 8 người do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính...
Và đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.
Điều đáng nói, độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng các ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Tại Bệnh viện Việt Đức, Khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) theo thống kê cũng có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi, với mức tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua.
Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh, khác với người lớn tuổi, đột quỵ ở người trẻ thường do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu não hoặc tăng huyết áp, đột quỵ ở người trẻ thường xảy ra đột ngột và có căn nguyên khác biệt.
Đó có thể là do người trẻ bị dị dạng mạch máu não - là các bất thường về giải phẫu của mạch máu não - như phình động mạch não, thông động tĩnh mạch, u mạch, bệnh Moya moya.
Đó có thể là do người trẻ mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh van tim gây hình thành huyết khối trong các buồng tim, bệnh lý về đông máu (thường là các biểu hiện tăng đông do thiếu các yếu tố như Protein S, Protein C và Antithrombin III.
“Và cũng có trường hợp người trẻ bị đột quỵ là do các bệnh lý tăng đông mắc phải hoặc bệnh nhân có gene gây tình trạng tăng đông máu”, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra.
Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân từ lối sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
Nhầm tưởng với một cơn cảm gió thông thường
Bệnh đột quỵ não với những dấu hiệu không khó để nhận biết như: Xuất hiện liệt vận động hoặc rối loạn cảm giác ở một bên của cơ thể. Có thể liệt chi trên hoặc chi dưới hay chỉ là tê bì các chi. Hoặc thấy một bên miệng bị trễ xuống.
Có vấn đề khi nói, nói khó hoặc khó khăn khi tìm từ phù hợp, hoặc không hiểu lời người khác nói; mắt nhìn mờ, giảm thị lực hoặc mù hoàn toàn một bên mắt hoặc đột ngột thấy đau đầu dữ dội, đặc biệt kèm theo buồn nôn và chóng mặt; đi loạng choạng và mất phối hợp động tác.
Tuy nhiên, có người bệnh khởi phát bởi tình trạng đau đầu dữ dội, nôn, gáy cứng, nhìn mờ, đi vệ sinh không tự chủ, hoặc cá biệt có bệnh nhân mất ý thức, hôn mê ngay từ đầu.
Khi có các biểu hiện trên, người bệnh và gia đình cần bình tĩnh, gọi ngay cấp cứu 115 hoặc bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị tai biến mạch máu não, vận chuyển người bệnh an toàn và sớm nhất có thể. Tuyệt đối không tự ý dùng các mẹo dân gian như cạo gió, chích máu 10 đầu ngón tay, một số loại thuốc đột quỵ truyền miệng hoặc được quảng cáo.
Điều đặc biệt là triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi trẻ có thể khác biệt so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan, không đưa đi cấp cứu sớm và chưa biết cách sơ cứu ban đầu trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện.
Thậm chí, vẫn còn rất nhiều người dân do chưa thật sự hiểu biết về đột quỵ não dẫn đến nhầm tưởng với một cơn cảm gió thông thường nên không đến bệnh viện ngay mà lại tự ý mua thuốc cảm uống hoặc chỉ đánh gió cho đến khi bệnh trở nên nặng mới nhập viện thì lúc này khả năng để hồi phục là rất khó khăn và để lại di chứng nặng nề.
Các bác sĩ khuyến cáo, dự phòng đột quỵ ở người trẻ bằng các biện pháp chung là kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh van tim. Thay đổi lối sống bằng bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia; tăng cường vận động thể thao; tránh bị lạnh đột ngột và căng thẳng.
Những người có nguy cơ cao như đau đầu dai dẳng, huyết áp dao động, tiền sử gia đình nhiều người đột quỵ có thể làm thêm các thăm khám chuyên khoa thần kinh, tim mạch, chụp phim sọ não - mạch não nhằm phát hiện các dị dạng mạch máu não chưa có triệu chứng.