Theo NYT, bởi "Syria không tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì vậy không thể truy tố và xét xử Assad và đồng minh trong một phiên toà của ICC. Hội đồng Bảo an LHQ có thể thúc đẩy đưa vụ việc ra tòa, nhưng Nga lại nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của mình nhằm che chở cho Syria ".
Theo các điều tra viên thuộc tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban Tư pháp Quốc tế và Trách nhiệm Giải trình (CIJA) và giới luật sư quốc tế, có hai kiểu phiên toà mà phương Tây có thể lập hay thúc đẩy thành lập để xét xử Assad và các cộng sự của ông.
Hình ảnh phiên tòa Nuremberg xét xử phát xít Đức sau Thế chiến II. (Ảnh: Getty)
Tìm cách khép Tổng thống Syria vào tội ác chống lại loài người
Phiên toà quốc tế đặc biệt xét xử tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người đối với chính quyền Assad - tương tự phiên toà Nuremberg sau Thế chiến II xét xử các thành viên trong chế độ phát xít Đức, Italy - là lựa chọn khả thi với phương Tây.
Giáo sư Luật Kevin Jon Heller, giảng dạy tại Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London, Anh cho biết, bằng chứng về cuộc chiến Syria rất rõ ràng và có thể sẽ hữu ích trong một phiên toà đặc biệt kiểu Nuremberg.
Ông Heller lập luận: "Tôi cho rằng có nhiều cơ chế mà người ta có thể sử dụng để truy trách nhiệm, nhưng làm thế nào thực sự khẳng định được sức mạnh của cán cân công lý đối với những kẻ phải bị truy tố mới là vấn đề quan trọng".
Theo NYT, khi cuộc chiến tại Syria kéo dài, các nhóm hoạt động nhân quyền, giới luật sư và nhiều thành phần khác ở Syria và nhiều nước khác đã ghi lại hành động mà họ cho là tàn ác, với cáo buộc do chính quyền Assad gây ra, và hy vọng một ngày nào đó đưa các thủ phạm ra toà.
Một số người thực hiện những cuốn phim ghi lại hậu quả của cuộc các tấn công và lập danh sách nạn nhân thương vong. Dựa vào đó, các công tố viên về tội phạm chiến tranh đã bắt đầu tiến trình cho phiên toà, bắt đầu từ các vụ kiện chống lại ông Assad và những quan chức khác của chính phủ Syria.
Ông Laila Alodaat, luật sư về quyền con người ở Syria, nói với NYT: "Đây không phải là vấn đề quyền con người trừu tượng. Đây là cốt lõi của cuộc xung đột và là cơ sở cho bất kỳ giải pháp hoặc tiến trình nào."
Hơn 400.000 người thiệt mạng, hơn một nửa dân số của đất nước Syria mất nhà cửa, mất nơi ăn chốn ở, hơn 100.000 người bị mất tích, bị giam giữ hoặc bị giết chết, hàng chục ngàn người bị tra tấn trong 6 năm xung đột đã qua.
Một ủy ban của LHQ từng lên tiếng cáo buộc chính quyền Damascus thực hiện các hành động chống lại loài người. Dưới góc nhìn phương Tây, như vậy điều kiện cần và đủ để xúc tiến thành lập một phiên tòa "Nuremberg" đã có.
Nhận đơn kiện từ chính nạn nhân
Phương án thứ hai là thành lập một toà án đặc biệt tại một quốc gia chấp nhận thụ lý hồ sơ của những người từng là tù nhân tại Syria, kiện chính quyền Damascus phạm tội ác chống lại loài người, từ đó ban hành lệnh bắt giữ Assad và những cộng sự của ông.
"Con đường tới ICC có vẻ đã bị chặn, tòa án châu Âu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với bị cáo. Vì vậy, trường hợp tốt nhất là một tòa án quốc tế có thể yêu cầu bắt giam người bị tình nghi", báo NYT phân tích.
Theo tờ này, ngay cả khi Hội đồng bảo an đồng thuận hành động để hạ bệ chính quyền Assad, thì việc bắt bắt giữ họ cũng sẽ rất khó khăn. Vì vậy, phải chuẩn bị trước kế hoạch bắt giữ Assad và các cộng sự.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một cuộc phỏng vấn. Ảnh: Paris Match
Theo giáo sư luật Alex Whiting, giảng dạy tại Đại học Harvard của Mỹ, trách nhiệm giải trình là vấn đề chính trị và cho đến nay vấn đề tại Syria vẫn chưa được ưu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, cơ hội cho một phiên toà đặc biệt dành cho Assad giải trình các mưu đồ chính trị bỗng trở nên rất khả quan sau cuộc tấn công bằng chất độc hóa học xảy ra ngày 4/4 tại thị trấn Khan Sheikhun ở tỉnh Idlib, sau đó khiến Mỹ trả đũa Syria bằng vụ bắn 59 tên lửa Tomahawk ngày 7/4.
"Đột nhiên cả thế giới tỏ ra đồng thuận chống lại Assad, điều này có thể khiến ông ta sớm phải chịu trách nhiệm, mở ra tia hy vọng tuyệt vời cho quá trình giải trình trong tương lai. Tôi chắc chắn cục diện đã khả quan hơn," ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với NYT hồi năm 2016, Tổng thống Assad cho rằng tất cả các tù nhân đều được xử lý theo pháp luật và bác bỏ cáo buộc của những người dân nói rằng những người thân của họ "biến mất không dấu vết".
Ông Assad khẳng định: "Đây chỉ là những cáo buộc. Sự thật là gì?". Trước toà án đặc biệt ông Assad có trách nhiệm giải trình để phản bác lại những cáo buộc đó.
Vấn đề này đã từng có tiền lệ, đó là trường hợp của cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor. Trong nhiệm kỳ, ông Taylor bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người ở một quốc gia khác - Sierra Leone.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thực ra vấn đề vốn ở trong nước Liberia, khi các cuộc phản đối chế độ Taylor bùng phát, gây ra cuộc nội chiến Liberia lần thứ hai vào năm 1999. Đến năm 2003, ông Taylor mất quyền kiểm soát đất nước thì cũng là lúc ông bị Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone truy tố.
Ông Taylor phải từ chức do áp lực quốc tế và lưu vong ở Nigeria theo một thoả thuận chính trị quốc tế. Nhưng năm 2006, tân Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf chính thức yêu cầu dẫn độ Charles Taylor. Thoả thuận chính trị quốc tế mất tác hiệu và Taylor bị đưa ra xét xử trước Tòa án Đặc biệt về Sierra Leone và phải nhận mức án 50 năm tù giam.
NYT cho biết, tháng 3/2017, một thẩm phán Tây Ban Nha đã đồng ý mở cuộc điều tra về Syria, sau khi thụ lý hồ sơ của một nạn nhân người Syria cáo buộc chính quyền Assad thực hiện tội ác chống lại loài người.
Giáo sư Alex Whiting thuộc Đại học Harvard (Ảnh: harvard.edu)
Trong khi hiện nay, nhiều tòa án ở Pháp, Anh, Đức và những nơi khác cũng đang thúc đẩy các cuộc điều tra đối với chính quyền Assad. Phải chăng đây là những bước chuẩn bị cho một quá trình mà sẽ "đưa Assad thành một Taylor thứ 2"?
Tuy nhiên, theo NYT, cuộc xung đột Syria đã chứng kiến nhiều hành động bất hợp pháp của tất cả các bên. Phe đối lập do Mỹ/đồng minh tài trợ cũng đã "lột vỏ" các khu phố dân sự; các phần tử khủng bố của al-Qaeda và IS đánh bom tự sát, tra tấn và hành hình. Vậy phương Tây sẽ thúc đẩy các phiên toà ra sao?
Bất luận diễn tiến của quá trình luật pháp hoá chính trị ra sao, các phiên toà mà phương Tây dự định dành cho ông Assad và các cộng sự của ông sẽ được tổ chức như thế nào, thì kịch bản dùng công cụ pháp lý thay cho vũ lực nhằm lật đổ chính quyền Assad là một "kế hiểm" của Mỹ và phương Tây.
Dư luận quốc tế sẽ có dịp chờ xem liệu trong trường hợp này Nga và Tổng thống Vladmir Putin có nước cờ nào giải vây để cứu đồng minh hay không.