Khách du lịch Trung Quốc huênh hoang, ồn ào, bất lịch sự, vô tổ chức và họ có mặt ở khắp nơi.
Mặc dù du khách Trung Quốc có vung ra nhiều tiền đến đâu thì tại trời Tây, những hành xử vô ý thức của họ cũng gây náo động và khiến quốc gia mà họ đặt chân tới không khỏi ghê tởm.
Có một sự thật là bất cứ một bài báo nào phản ánh về hành xử xấu của du khách Trung Quốc đăng trên scmp.com đều lên thẳng top chủ.
Du khách Trung Quốc ồn ào, huyên náo ở quảng trường Thiên An Môn.
Chính vì vậy, sau khi đọc tất cả những bài báo liên quan, Amy Li đã dành thời gian trao đổi với các chuyên gia, đồng thời nói chuyện với chính những người đang là tâm điểm bị cộng đồng lên án để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao du khách Trung Quốc lại thô lỗ?”.
Yong Chen, nhà nghiên cứu về ngành du lịch và đang làm luận án sau tiến sĩ ở trường Đại học Bách Khoa Hong Kong, cho biết hầu hết du khách “xấu xí” đều không có ý định hành xử “xấu xí” hay coi mình là “khách du lịch”, họ chỉ là chính mình – là người Trung Quốc mà thôi.
Giáo dục tạo nên khác biệt
Không phải tất cả du khách Trung Quốc đều hành xử thô lỗ và những người được giáo dục thường cư xử lịch sự hơn những người ít học hơn, Chen cho hay.
Đây là lí do tại sao những du khách lớn tuổi hoặc trung niên, những người không được hưởng nền giáo dục đầy đủ trong thời kì biến động về chính trị ở Trung Quốc, lại có xu hướng hành xử vô tổ chức hơn.
Người Trung Quốc đã đem "văn hóa ngâm chân" đi khắp thế giới.
Rất nhiều người không nói được tiếng Anh, thậm chí nói tiếng Hán phổ thông còn không trôi chảy. Nhận thức của họ về quốc gia du lịch và nền văn hóa ở đó hầu như không hề tồn tại.
Điều này có thể giải thích cho hành động của một cặp đôi Đại lục khi sang Hong Kong du lịch theo tour gần đây. Họ đã gọi cảnh sát và đòi bồi thường 3,000 đô Hong Kong vì phải đợi xe 2 tiếng mặc cho hãng lữ hành giải thích xe bị hỏng đột xuất.
Xem thường phong tục và luật lệ
Jenny Wang, đại diện một hãng lữ hành của Maldives có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết những du khách Trung Quốc vô ý thức thường không coi luật lệ và phong tục quốc gia nơi họ đến du lịch ra gì hết.
Wang kể lại gần đây nhất một người đàn ông Trung Quốc tới nghỉ dưỡng ở Maldives đã tức giận đến mất hết lí trí chỉ vì nhà hàng mà anh ta định ăn không nhận khách nữa. Người đàn ông này đã la hét và sỉ nhục nhân viên của hãng tới mức một người phải phát khóc.
“Bạn không thể nói lí lẽ với hạng người này. Họ nghĩ là có tiền thì muốn làm gì cũng được”, Wang chia sẻ.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều du khách Trung Quốc không bao giờ muốn làm với tiền của mình. Họ luôn lờ đi việc chi tiền boa cho nhân viên phục vụ.
Mặc dù các hãng lữ hành ở Trung Quốc đã dặn dò du khách cẩn thận về văn hóa tiền boa ở nước ngoài trước chuyến hành trình nhưng không một ai trong số du khách Trung Quốc muốn chi tiền boa hoặc nếu có cũng rất ít.
Theo Wang, du khách Trung Quốc không có ý niệm với việc chi tiền boa và không hề hiểu những nhân viên phục vụ tại các khu nghỉ dưỡng ở Maldives chỉ nhận được mức lương còm cõi và sống nhờ vào tiền boa là chính.
Điều này đã làm tăng những căng thẳng giữa du khách Trung Quốc và nhân viên phục vụ tại khách sạn. Lẽ dĩ nhiên, nhân viên sẽ thích phục vụ những khách chịu chi tiền boa hơn.
Một số nhân viên phục vụ thậm chí còn phải chạy theo du khách Trung Quốc để “đòi” tiền boa, điều mà họ chưa từng làm từ trước tới giờ.
Lí do cho việc vô tổ chức, vô kỉ luật
Sinh viên trường Đại học Ewha, Seoul, ngôi trường nổi tiếng vì có khuôn viên đẹp, gần đây phải lên tiếng than phiền vì trường phải đón tiếp hàng loạt du khách Trung Quốc bất đắc dĩ.
Rõ ràng, chụp ảnh trong khuôn viên trường thôi chưa đủ “đô” với họ. Một số du khách Trung Quốc mê chụp ảnh còn vào hẳn thư viện để tạo dáng mà không đếm xỉa gì đến sinh viên đang học.
“Mặc dù rât muốn mở cửa khuôn viên cho tất cả mọi người nhưng chúng tôi vẫn phải ưu tiên quyền được học trong một môi trường yên tĩnh và an toàn của sinh viên hơn”, đại diện trường đại học cho biết.
Trường Ewha đã giải quyết khủng hoảng trên bằng cách gắn các biển cảnh báo đa ngôn ngữ hướng dẫn du khách tránh xa khu giảng đường, thư viện.
Du khách Trung Quốc tạo dáng mọi lúc, mọi nơi một cách phản cảm.
Hàng nghìn năm sau khi Khổng Tử dạy các học trò của mình “điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, nhiều người Trung Quốc hiện nay có xu hướng hành xử ngược lại với lời dạy trên.
Những người như vậy, cho dù ở nhà hay ra nước ngoài thì họ vẫn có lí do biện minh cho những hành động vô tổ chức của mình.
Theo ông Chen, sở dĩ như vậy là vì trong cuộc sống hàng ngày, người dân Trung Quốc phải chứng kiến nhiều điều "chướng tai gai mắt" nên có xu hướng coi những việc đó là bình thường.
Chúng ta còn phải chịu đựng những du khách xấu xí này đến bao giờ?
Trung Quốc và người dân nước này đang phải trả giá cho những hành xử thô lỗ của đồng bào họ khi ra nước ngoài.
Một cuộc trưng cầu dân ý nằm trong Chương trình Công luận của trường Đại học Hong Kong gần đây cho thấy số người Hong Kong có ấn tượng xấu đối với những du khách Trung Quốc Đại lục tăng khoảng 40% kể từ tháng 11.
50% người tham gia khảo sát cho rằng đó là vì ấn tượng xấu với những "du khách thiếu văn minh".
Sau cuộc trưng cầu dân ý trên, SCMP.com cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát online về “Điều gì khiến người Hong Kong mất thiện cảm với người Đại lục?”.
Và ngay chiều hôm đó, kết quả thu về tiết lộ hơn 50% người tham gia khảo sát cho rằng đó là vì ấn tượng xấu với những "du khách thiếu văn minh".
Trong khi nhiều người đưa ra ý kiến du khách Mỹ và Nhật trước đây cũng bị lên án vì những hành xử không đúng mực khi có đủ điều kiện đi du lịch nước ngoài lần đầu tiên thì ông Chen cho rằng người Trung Quốc không nên lấy chuyện đó ra làm lý do để biện bạch.
Trên thực tế, các cơ quan hữu quan của Trung Quốc đã có những động thái tích cực để nhắc nhở du khách hành xử văn minh hơn nhưng nhiều người bày tỏ quan ngại tình hình sẽ chẳng khá hơn là mấy.
“Du khách Trung Quốc còn cả chặng đường dài để tiến tới cách hành xử văn mình đáng để thế giới phải tôn trọng” bà Jenny Wang cho hay.