Mặc dù có điều kiện và có quyền hưởng cuộc sống tiện nghi, sang trọng, lãnh đạo nhiều quốc gia vẫn có cách sống hoặc hành vi rất bình dị, khiêm tốn.
Loạt bài này sẽ giới thiệu những nhà lãnh đạo đặc biệt như vậy đến với bạn đọc.
Khi đến thăm ngôi nhà 1 tầng nhỏ xíu của ông Jose Mujica ở ngoại ô thủ đô Montevideo (Uruguay), mọi người sẽ nhận ra tiếng tăm về sự giản dị của ông không phải chuyện đánh bóng tên tuổi. Người đàn ông này sống đúng như những lời ông nói.
Ông Jose Mujica khi còn là Tổng thống Uruguay luôn dùng chiếc xe Volkswagen Beetle cũ nát (chạy đã 25 năm). Chiếc xe này có lẽ là một trong những chiếc xe nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: Ricardo Ceppi/Corbis
Mặc trang phục có thể gọi là thoải mái nhất, ông Mujica thường ngồi làm việc trên chiếc ghế gỗ đơn giản, trước giá sách cũ dường như sắp đổ sập vì trọng lượng của những cuốn sách từ các đồng minh và đối thủ chính trị.
Sách là thứ rất quan trọng đối với cựu lính du kích từng ngồi tù 13 năm này.
Sức mạnh bên trong
“Tôi bị biệt giam nên ngày họ đặt tôi lên ghế sofa, tôi thấy rất thoải mái - ông Mujica nói đùa - Tôi không nghi ngờ rằng nếu không có thời gian ngồi tù, tôi sẽ không phải như ngày hôm nay. Tù biệt giam có tác động lớn đối với tôi.
Tôi đã tìm thấy một sức mạnh từ bên trong, dù tôi không được đọc cuốn sách nào trong suốt 7-8 năm, thử tưởng tượng điều đó xem”, BBC dẫn lời ông Mujica trong bài viết đăng vào tháng 3 năm nay.
Quá khứ đó giải thích lý do tại sao ông Mujica dành 90% lương của mình cho từ thiện, đơn giản chỉ vì ông “không có nhu cầu sử dụng”.
“Thế giới này thật điên rồ, điên rồ! Mọi người bị choáng ngợp bởi những thứ tầm thường và sự ám ảnh đó khiến tôi lo lắng”, ông Mujica nói khi có những người thắc mắc trước lối sống của ông.
Tổng thống Jose Mujica làm việc như nông dân. Ảnh: AP
"Nên gạt những người thích tiền quá ra khỏi chính trị", ông Mujica nói như vậy trong bài trả lời phỏng vấn kênh CNN vào tháng 10.2014.
“Tôi không chống lại những người có tiền, người thích tiền, người điên cuồng vì tiền. Nhưng trong chính trị, chúng ta phải tách biệt họ.
Chúng ta phải đưa những người quá thích tiền ra khỏi chính trị, họ là mối nguy trong chính trị… Những người thích tiền nên cống hiến cho công nghiệp, thương mại, cho những ngành giàu có khác.
Nhưng chính trị là cuộc đấu tranh vì hạnh phúc cho tất cả mọi người”, ông Mujica nói.
Trả lời câu hỏi vì sao người giàu là đại diện tồi cho người nghèo, ông Mujica nói: “Họ có xu hướng nhìn thế giới qua lăng kính của mình, đó là lăng kính của tiền.
Ngay cả khi hoạt động với ý định tốt, thì quan điểm của họ về thế giới, về cuộc sống, về những quyết định của mình, đều được hình thành bằng của cải.
Nếu chúng ta sống trong một thế giới mà đa số được quyền quản lý, chúng ta phải nỗ lực xây dựng quan điểm đại diện cho đa số, không phải thiểu số”.
Về việc hiến phần lớn tiền lương cho công tác từ thiện, ông nói: “Tôi có lối sống không thay đổi ngay cả khi tôi là tổng thống. Tôi kiếm được nhiều hơn mức tôi cần, mặc dù có thể nó không đủ đối với người khác.
Với tôi, đó không phải là sự hy sinh, mà là một nghĩa vụ”.
Ông Mujica được cả thế giới biết đến với lối sống loại bỏ hết những biểu tượng của giàu có.
Trong một bài trả lời phỏng vấn truyền hình Tây Ban Nha hồi tháng 5.2015, ông Mujica nói rằng ông phản đối dùng cà vạt, và chương trình truyền hình này sau đó trở nên ăn khách trên mạng.
Nhà riêng của Tổng thống Jose Mujica. Ảnh: AP
“Cà vạt là miếng giẻ vô dụng buộc chặt cổ bạn. Tôi là kẻ thù của chủ nghĩa tiêu dùng.
Vì chủ nghĩa siêu tiêu dùng, chúng ta đang quên đi những thứ cơ bản và lãng phí sức mạnh vào những thứ phù phiếm chẳng liên quan gì đến hạnh phúc của con người”, ông Mujica nói.
Về việc bị coi là tổng thống nghèo nhất thế giới, lao động chân tay vất vả như một lão nông thực thụ, ông Mujica nói: “Tôi không phải là tổng thống nghèo nhất thế giới. Người nghèo nhất là người cần nhiều thứ để sống”.
Những chính sách gây tranh cãi
Ông Mujica rời vị trí Tổng thống Uruguay vào tháng 3.2015, để lại di sản là một nền kinh tế tương đối mạnh khỏe và sự ổn định xã hội mà nhiều nước láng giềng lớn phải nằm mơ.
Những nguyên tắc lãnh đạo của ông mang tính xã hội chủ nghĩa, nhưng một số sáng kiến chính trị của ông trong 5 năm cầm quyền gây ra nhiều tranh cãi, như việc hợp pháp hóa nạo phá thai và cần sa.
Tổng thống Jose Mujica (giữa) luôn ăn mặc giản dị. Ảnh: AP
“Cần sa là một kiểu bệnh dịch hạch, một bệnh nghiện. Một số nói nó tốt, nhưng thật vớ vẩn. Cần sa, thuốc lá hay rượu đều không tốt, chỉ có nghiện tình yêu là tốt”, ông Mujica nói.
Năm 2005, ông cưới bà Lucia Topolansky - bạn gái lâu năm và cũng là người từng sát cánh trong những năm tháng đấu tranh của ông.
“Nhưng, 150.000 người hút cần sa ở đất nước này và tôi không thể để họ trở thành miếng mồi cho những kẻ buôn ma túy.
Kiểm soát những thứ hợp pháp dễ hơn nhiều và đó là lý do tôi làm điều đó”, ông Mujica giải thích cho chính sách hợp pháp hóa cần sa bị nhiều người phản đối.
Về việc cho hợp pháp hóa phá thai và hôn nhân đồng giới, ông nói: “Chúng ta áp dụng một nguyên tắc rất đơn giản: Công nhận các thực tế. Phá thai cổ xưa như thế giới.
Hôn nhân đồng giới còn cổ xưa hơn thế giới… Chúng nhiều tuổi hơn chúng ta. Đó là thực tế khách quan luôn tồn tại. Không hợp pháp hóa chúng là tra tấn con người một cách không cần thiết”.
Người được mô tả là “vị tổng thống mà quốc gia nào cũng muốn có” này nói rằng, ông tuy đã già, nhưng không có ý định ăn không ngồi rồi. “Dĩ nhiên tôi đã mệt, nhưng chưa muốn dừng lại.
Hành trình của tôi đang kết thúc từng ngày và tôi đang đi gần hơn đến nấm mồ”, ông nói.
Có lẽ như vậy, nhưng nhà lãnh đạo này sẽ vẫn được coi là nguồn cảm hứng cho những người khác, và sẽ luôn là lời nhắc nhở rằng chính trị là nghề vinh dự và khiêm tốn.
Tháng 3.2015, ông Tabaré Vázquez lên làm Tổng thống Uruguay thay ông Jose Mujica - năm nay 79 tuổi.