Thiên táng là điều hiển nhiên
Ở một nơi khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn như Xứ Tuyết, việc chôn cất người chết trong lòng đất sẽ gặp khó khăn bởi đất đá cứng, khó đào.
Bên cạnh đó, do tài nguyên đất trồng khan hiếm, cây cối không có nhiều để làm thành chất đốt nên thổ táng hay hỏa táng hầu như rất ít phổ biến nơi đây.
Đối với một người Tây Tạng bình thường, khi chết họ thường được trả thân xác về với bầu trời trên sơn nguyên rộng lớn, hình thức mai táng người chết này được gọi là Thiên Táng.
Đối với một gia đình bình thường, khi người thân qua đời, sau khi đã hoàn tất nghi lễ tụng niệm, họ để xác chết trên thảo nguyên, bầy sói và kền kền sẽ làm phần việc còn lại của chúng.
Hình thức thiên táng thứ hai, phức tạp hơn, được gọi là Điểu Táng. Khi ấy sẽ có những người chuyên làm công việc cắt nhỏ xác chết, được dân Tạng gọi là Rogyapas, họ dùng phần thịt người chết đã được chặt nhỏ và đập vụn xương để ném cho bầy kền kền ăn.
Những con kền kền đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người Tây Tạng đưa những người chết về cõi vĩnh hằng.
Điểu táng là Bố thí thân xác
Đa phần người Tây Tạng theo Phật giáo Kim Cương Thừa, họ tin rằng Kền Kền là biểu tượng của các Dakini -vị du hành nữ trên không trung- hay còn gọi là các Không Hành Nữ.
Dakini là hiện thân của sự hợp nhất giữa Tánh Không và Trí Huệ, đồng thời cùng là biểu trưng cho năng lượng giác ngộ của mỗi người. Bởi vậy, khi chết đi, được bố thí thân xác cho kền kền là một niềm may mắn, vinh dự.
Người Tạng thực hành giáo lý Tong-len (Cho và Nhận) trong suốt cuộc đời, đến cả khi cái chết chạm đến, họ dâng hết những gì còn có thể, trả lại cho thế giới.
Hơn thế nữa, nhờ có việc bố thí xác chết, sẽ bớt đi những con vật sống bị loài kền kền săn mồi khi chúng đói.
Đối với người Tây Tạng không theo Mật tông Kim Cương Thừa, người ta tin rằng bầy kền kền, loài chim của bầu trời bao la, sẽ giúp cho linh hồn của người chết được siêu thoát lên cõi Trời, thông qua việc ăn xác chết.
Người dân Tân Tạng theo dõi một lễ tang theo kiểu Thiên Táng.
Cái chết là minh chứng của Vô Thường
Trên thực tế, ít người ngoài được tham dự một đám tang với đầy đủ nghi lễ như vậy, bởi người Tạng phản đối mạnh mẽ các chuyến thăm của du khách nước ngoài. Tham dự tang lễ hầu hết là người thân quen, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.
Ban đầu, các nhà sư sẽ tụng kinh xung quanh thi thể người chết, sau đó đốt gỗ bách hương rải lên người họ. Người nhà sau đó bọc tử thi lại và đi nhiễu quanh tu viện khoảng 80 lần.
Thi thể người chết được gánh vòng quanh tu viện.
Cuối cùng, các Rogyapas đập vụn xương sống lưng và bắt đầu xẻ thịt rồi vứt cho bầy kền kền ăn cho tới khi không còn gì kể cả nội tạng.
Người Tây Tạng khuyến khích mọi người tới xem tang lễ, chứng kiến toàn bộ sự việc để ý thức thật rõ sự vô thường của cuộc đời, để đương đầu với cái chết và thấm nhuần giáo lý "cái chết sẽ không chừa một ai" mà họ thường được dạy trong các tu viện.
Điều đó sẽ khiến những Phật tử thực hành giáo lý quyết liệt hơn, buông bỏ sớm những hoạt động cuộc đời, luôn nhớ về cái chết, về sự vô thường trong từng sát-na trôi qua của cuộc sống.